Sinh con khỏe mạnh dù đã cắt cổ tử cung do ung thư

NDO - 10 năm hiếm muộn, cắt cổ tử cung tận gốc do mắc ung thư từ 5 năm trước, sản phụ đã cán đích thành công sinh con đầu lòng với sự hỗ trợ của cả ê-kíp điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi (giữa) phẫu thuật nội soi khâu vòng tử cung cho chị T. vào tháng 7/2023.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi (giữa) phẫu thuật nội soi khâu vòng tử cung cho chị T. vào tháng 7/2023.

Sau 10 năm kết hôn nhưng chưa có con, năm 2019, vợ chồng chị N.T.T đi khám hiếm muộn, phát hiện mắc ung thư tử cung giai đoạn IB, được bác sĩ mổ cắt cổ tử cung tận gốc, nạo hạch, bảo tồn khả năng sinh sản. Sau mổ, chị tiếp tục thả tự nhiên nhưng không có thai. Vợ chồng thực hiện IVF tại một bệnh viện, cả hai lần chuyển phôi đều thất bại.

Giữa năm 2023, chị đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh điều trị hiếm muộn, bác sĩ chuyển phôi đậu nhưng sau đó thai ngưng phát triển. Người bệnh được chuyển đến Trung tâm Sản Phụ khoa điều trị, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa nội soi kiểm tra ổ bụng chị Thùy dính nặng, tắc hai vòi trứng, buồng trứng có khối u kích thước 5×6cm.

Ê-kíp phải gỡ dính, cắt 2 tai vòi, bóc u buồng trứng trái sau đó khâu vòng cổ tử cung ngả bụng trong cùng cuộc mổ nội soi, giúp dự phòng bảo vệ thai sau chuyển phôi.

Tháng 10/2023, chị T. được Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản chuyển phôi lần 2, may mắn đậu thai. Thai kỳ nhiều lần dọa sảy, chị phải nhập viện vì dấu hiệu dọa sinh non, các bác sĩ sử dụng nhiều phác đồ thuốc kết hợp điều trị.

Ngày 9/7, thai gần 39 tuần chị Thùy vỡ ối, bác sĩ mổ lấy thai, bé trai chào đời khỏe mạnh.

Trải qua hành trình gian nan vất vả, được làm mẹ sau 10 năm hiếm muộn, chị T. vỡ òa hạnh phúc.

Sinh con khỏe mạnh dù đã cắt cổ tử cung do ung thư ảnh 1

Sản phụ đón con sau 10 năm hiếm muộn.

Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, phần lớn bệnh nhân ung thư cổ tử cung được phát hiện trong độ tuổi 30-40 tuổi, nằm trong độ tuổi sinh sản như chị T.. Cách điều trị bệnh triệt để là phẫu thuật cắt bỏ cả tử cung, hóa-xạ trị. Tuy nhiên, sau can thiệp người bệnh không có cơ hội mang thai, phải nhờ mang thai hộ mới có con.

"Y văn thế giới ghi nhận nhiều phụ nữ vẫn có thể sinh con sau điều trị bảo tồn sinh sản bằng cách cắt cổ tử cung tận gốc. Sau đó nối âm đạo vào tử cung, tạo đường dẫn cho tinh trùng đi vào và bảo tồn động mạch nuôi tử cung.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thành công sau phẫu thuật chỉ khoảng 50%. Nguyên nhân do phẫu thuật làm thay đổi cấu trúc cơ quan sinh sản, mất cổ tử cung rất khó giữ thai, sinh non. Bác sĩ sản khoa phải có kế hoạch điều trị, giúp bệnh nhân mang thai và sinh con thành công.

Điển hình như chị T., bác sĩ điều trị hiếm muộn tạo phôi kết hợp với bác sĩ sản khoa xây dựng kế hoạch dự phòng sẩy thai bằng cách khâu vòng cổ tử cung trước chuyển phôi giúp dự phòng sinh non", bác sĩ Mỹ Nhi cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, phương pháp này thường được chỉ định cho phụ nữ nhiều lần khâu vòng qua ngã âm đạo thất bại, sinh non hoặc có bất thường cấu trúc giải phẫu ở cổ tử cung. Sau khâu vòng cổ tử cung, bệnh nhân được thụ thai bằng cách tự nhiên hoặc thông qua kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thống kê tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, khâu vòng cổ tử cung trước mang thai giúp em bé sống 100%, tuổi thai trung bình giữ được hơn 34 tuần. Theo bác sĩ Mỹ Nhi, phương pháp này sẽ giúp nhiều phụ nữ trong nhóm phẫu thuật cắt cổ tử cung điều trị bệnh ác tính có cơ hội mang thai thành công.

Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư sinh dục gây tử vong cao ở phụ nữ. Ước tính mỗi năm nước ta có hơn 4.000 ca mới mắc và gần 2.500 ca tử vong vì căn bệnh ác tính này. Ở giai đoạn đầu, các tế bào ác tính chỉ mới hình thành ở lớp bề mặt, chưa phát triển vào sâu trong các mô, hầu như không có triệu chứng nhận biết. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể chảy máu âm đạo bất thường, tiết dịch, đau vùng lưng và bụng chậu…