Siết chặt quản lý trật tự xây dựng

Sau thời gian thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, công tác quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội ngày càng đi vào nền nếp. Để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị, việc kiện toàn mô hình hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng là rất cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng quận Tây Hồ phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại phường Tứ Liên.
Lực lượng chức năng quận Tây Hồ phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại phường Tứ Liên.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc ủy ban nhân dân quận huyện, thị xã trong thời gian 5 năm, kể từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2023.

Từ khi triển khai mô hình đến nay, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm soát chặt chẽ, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn, gây bức xúc dư luận hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng được rà soát, phân loại, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng nâng cao.

Cụ thể, trong bốn năm trước khi thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (từ ngày 10/8/2014 đến hết 10/8/2018), các Đội Thanh tra xây dựng đã tiến hành kiểm tra 80.987 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 7.142 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 8,82%.

Còn trong bốn năm thực hiện mô hình thí điểm (từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2022), tỷ lệ công trình vi phạm bị xử lý đã giảm xuống còn 3,69% khi lực lượng chức năng kiểm tra 76.170 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 2.811 trường hợp vi phạm; đồng thời tỷ lệ công trình có phép, miễn phép tăng.

Riêng năm 2022, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 19.211 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 320 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,67%. Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 186/320 trường hợp, chiếm tỷ lệ 58,10%; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 134 trường hợp còn lại. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã ban hành hơn 1.200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ 720 triệu đồng.

Nhận định về hiệu quả hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Hùng Toàn khẳng định, mô hình hiện nay là hợp lý, hiệu quả và rất quan trọng trong công tác quản lý xây dựng, nhất là tại địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như huyện Thanh Trì. Vì thế, để cán bộ, viên chức của Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị yên tâm công tác sau khi hết thời gian thí điểm, các cơ quan chức năng cần sớm chuyển thành mô hình chính thức.

Đại diện Sở Xây dựng khẳng định, mô hình thí điểm của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; thể hiện rõ trách nhiệm của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Chức năng, nhiệm vụ của Đội và cơ chế phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng được quy định cụ thể, hạn chế tình trạng chồng chéo chức năng hoặc né tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, mô hình thí điểm còn một số hạn chế như tổ chức bộ máy không ổn định khiến tâm lý cán bộ viên chức không yên tâm. Thanh tra viên đã được bổ nhiệm trước đây, đang công tác tại các đội không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt. Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ công trình xây dựng vi phạm dẫn đến việc ngăn chặn công trình vi phạm chưa kịp thời.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng, công tác quản lý trật tự xây dựng ngày càng yêu cầu nền nếp, hiệu quả. Căn cứ thực tiễn công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Mô hình thí điểm cho đến khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành; đồng thời Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung có quy định cho phép Hà Nội được thành lập các cơ quan đặc thù nằm ngoài quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện.