Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng

NDO - Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng đều giới thiệu và quảng cáo về thực phẩm chức năng.

Nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo và giới thiệu như thuốc, như một "thần dược", vì chữa được bách bệnh như: Sản phẩm thực phẩm chức năng Kình Nguyên Khang của Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Ðại Ðông (Hà Nội) nhập khẩu từ Trung Quốc và phân phối; sản phẩm Tinh dầu thông đỏ do Công ty TNHH một thành viên Trà Tâm Lan (Tây Ninh) nhập khẩu từ Hàn Quốc và phân phối...

Ðáng lưu ý là những sản phẩm thực phẩm chức năng trong hồ sơ công bố hoàn toàn là thảo dược, hoàn toàn là thiên nhiên, nhưng thực tế thành phần lại có thêm tân dược (Sildenafil...) - nhằm tăng tác dụng điều trị bệnh "rối loạn cường dương" ở nam giới: Sản phẩm thực phẩm chức năng Viên nang mềm sâm nhung dương hoắc hiệu Lộc Ca do Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Ðại Ðông nhập khẩu, công bố tiêu chuẩn sản phẩm và phân phối; Sản phẩm thực phẩm chức năng Viên nang Trùng tảo hoạt lực của Công ty Hữu hạn Khải Việt sản xuất và do Công ty TNHH đầu tư và XNK Lam Hải phân phối, v.v.

Nhiều công ty đã cố ý quảng cáo cường điệu quá mức và công dụng của sản phẩm, thậm chí có công ty đã dùng những lời lẽ và hình ảnh gợi cảm quá mức, thiếu tính thuần phong mỹ tục như: Sản phẩm thực phẩm chức năng Viên nang mềm sâm nhung dương hoắc hiệu Lộc Ca, sản phẩm thực phẩm chức năng Viên nang Trùng tảo hoạt lực...

Vậy còn về chất lượng thực của sản phẩm thực phẩm chức năng thì sao? Vừa qua Bộ Y tế đã có đợt thanh tra chuyên đề về thực phẩm chức năng tại ba thành phố: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Ðoàn thanh tra đã lấy các mẫu ngẫu nhiên tại các công ty được thanh tra gửi Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Chỉ tính riêng Hà Nội có 9/19 mẫu của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm chức năng có chất lượng không đạt so với hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Chưa kể một số cơ sở sản xuất đã lợi dụng "kẽ hở" của pháp luật, những quy định còn chưa được chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật, cố tình né tránh bằng cách công bố thành phần cấu tạo nên sản phẩm không có thành phần định lượng, chỉ ghi thành phần định tính (sản phẩm Collagen Tây Thi); Hoặc công bố rất "hoành tráng", nhưng thực tế kiểm tra thì kết quả lại không đạt được như trong hồ sơ công bố; một số sản phẩm thực phẩm chức năng thành phần chính là các men vi sinh có lợi cho đường ruột, nhưng thực tế kiểm nghiệm, tỷ lệ men có lợi thì k22hông đạt nhưng lại bị nhiễm "bẩn", tổng số vi khuẩn hiếu khí tối đa cho phép là 104 thì thực tế đã vượt quá hàng nghìn lần, hàm lượng đường quá lớn, gấp khoảng bảy lần so với hồ sơ công bố (sản phẩm TPCN Biobidilis, lô SX: 010612, NSX: không có, HSD: 06/2014; của Công ty Vinapharm).

Có những công ty, không hiểu vô tình hay cố ý còn coi thường pháp luật, sửa chữa cả hồ sơ công bố, cắt dán đè phần khối lượng tịnh của thành phần công thức sản phẩm, nhằm lừa dối người tiêu dùng là sản phẩm của họ có hàm lượng các hoạt chất rất cao, để dễ bán với giá "trên trời". Hơn thế nữa, sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ của công ty này qua kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia không đạt tiêu chuẩn chất lượng như hồ sơ công bố (Công ty CPDP Sông Hồng). Có những công ty còn nhập khẩu theo kiểu đặt hàng từ nước ngoài (Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc...) với hợp đồng là 100% sản phẩm được xuất về Việt Nam, và phân phối "độc quyền" đẩy giá bán tăng cao, nhưng chất lượng thì không tương ứng với giá bán. Vì lẽ, theo như Phiếu kết quả kiểm nghiệm của cơ quan kiểm nghiệm không có phản ứng định tính, khó xác định chất lượng có đạt không? Chưa kể là trong hồ sơ công bố không thấy có các tài liệu chứng minh kết quả thử nghiệm lâm sàng, không có những công dụng như quảng cáo (sản phẩm thực phẩm chức năng Tinh dầu thông đỏ, nhập khẩu từ Hàn Quốc, giá nhập khẩu theo hồ sơ khai báo tại Cục Hải quan Hà Nội là 2,2 USD, tương ứng khoảng bốn - năm mươi nghìn đồng Việt Nam, nhưng giá bán lên đến tiền triệu)!

Gần đây các "công ty", thực ra họ chỉ có hai đến ba người thực hiện bán hàng thông qua quảng cáo trên các trang mạng rởm, đã lừa gạt người tiêu dùng bằng những chiêu lừa: Quảng cáo sản phẩm có những công dụng không hề có trong hồ sơ công bố, những "công dụng mới" không hề liên quan thành phần sản phẩm: Sản phẩm Tinh dầu thông đỏ (sản phẩm TPCN của Công ty TNHH Trà Tâm Lan nhập khẩu và phân phối từ Hàn Quốc; sản phẩm TPCN Trùng thảo vương (sản phẩm của Công ty Lam Hải công bố tiêu chuẩn sản phẩm, hợp đồng sản xuất tại Công ty hữu hạn dược phẩm Khải Việt (Công ty Khải Việt)). Ðáng chú ý là, mặc dù đã bị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm hành chính một vài lần, nhưng một số công ty hình như không hề sợ vì mức xử phạt vi phạm hành chính quá thấp, không thấm vào đâu với những khoản lợi nhuận mà họ thu được quá lớn.

Từ thực tế nêu trên, là những người tiêu dùng thông thái, chúng ta cần tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung theo nguyên tắc sau:

Trước tiên nên chọn cho mình những nhà phân phối có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng. Bởi lẽ, họ  là những nhà sản xuất và kinh doanh dược phẩm đã đi vào nền nếp, khi họ chuyển sang sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, sẽ chuẩn hơn rất nhiều.

Mặt khác, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp, kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu: Hồ sơ công bố, chất lượng sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, hóa đơn chứng từ, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng, không để họ phải chịu cảnh "tiền mất tật mang", bị lừa đảo, trục lợi như hiện nay.