Sẽ thu phí hạ tầng trong 10 năm tại cụm công nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai

NDO -

Liên quan việc hàng chục doanh nghiệp sản xuất trong Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh, TP Biên Hòa cầu cứu, vì bất ngờ nhận được thông báo phải đóng 100% phí hạ tầng một lần mà Nhân Dân điện tử đã phản ánh, chiều 22-3, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã quyết định thu phí sử dụng hạ tầng theo lộ trình trong thời gian 10 năm đối với các cơ sở, doanh nghiệp thuộc diện di dời vào CCN.

Xưởng sản xuất gốm của một doanh nghiệp thuộc diện di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh.
Xưởng sản xuất gốm của một doanh nghiệp thuộc diện di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện di dời đầu tư vào CCN gốm sứ Tân Hạnh, thống nhất thu phí sử dụng hạ tầng theo lộ trình trong thời gian 10 năm, kể từ ngày đi vào hoạt động. Mỗi năm sẽ thanh toán một lần vào tháng 12.

Riêng doanh nghiệp không thuộc diện di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh sẽ thu phí hạ tầng một lần, kể từ thời điểm đi vào hoạt động. Trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thanh toán chậm so thời gian quy định sẽ phải trả thêm phần lãi suất theo mức của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, TP Biên Hòa thông báo đến các doanh nghiệp, cơ sở biết và báo cáo về lộ trình thu phí sử dụng hạ tầng CCN của từng trường hợp trong tháng 4. Đồng thời, thu đủ 100% phí đầu tư hạ tầng CCN gốm sứ Tân Hạnh mà trước đó đã được tạm ứng từ ngân sách đầu tư xây dựng, để hoàn trả theo quy định.

Đối với các dự án mở rộng, đầu tư mới vào CCN gốm sứ Tân Hạnh, không thuộc đối tượng di dời, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định pháp luật về đất đai, tham mưu phương án cho thuế đất.

Riêng diện tích đất công nghiệp còn dôi dư trong CCN gốm sứ Tân Hạnh, các đơn vị liên quan và UBND TP Biên Hòa xem xét, tham mưu thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, trong đó ưu tiên các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm trên địa bàn, tránh lãng phí đất đai.

Trước đó, sau khi Nhân Dân điện tử đăng bài viết “Hàng chục doanh nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai “cầu cứu” vì bị bãi bỏ ưu đãi”, UBND TP Biên Hòa đã tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Biên Hòa, đại diện Sở Công thương với các doanh nghiệp đang hoạt động tại CCN gốm sứ Tân Hạnh, tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật CCN gốm sứ Tân Hạnh cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác, với diện tích 54,83ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê là 32,654ha. Quỹ đất này ưu tiên bố trí cho 31 dự án gốm phải thực hiện di dời theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai. Đây là CCN có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, với tổng mức đầu tư khoảng 225 tỷ đồng.