Sẽ tắt 2G hay tắt 3G?

Các nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 4G được gần hai năm. Tuy nhiên, hiện chưa có băng tần riêng cho các nhà mạng triển khai công nghệ này. 4G vẫn đang phải "sống nhờ" cùng dải băng tần 1.800 Mhz của 2G, do đó tốc độ mạng bị hạn chế rất lớn, thậm chí chỉ tương đương với 3G.

Kỹ sư Tổng công ty Viễn thông Mobifone kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống truyền dẫn. Ảnh: NINH NGUYỄN
Kỹ sư Tổng công ty Viễn thông Mobifone kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống truyền dẫn. Ảnh: NINH NGUYỄN

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính,... đang gấp rút phối hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý để nhanh chóng triển khai việc đấu thầu và cấp phép băng tần sử dụng cho 4G. Đến thời điểm đó, chất lượng mạng 4G sẽ được tối ưu hóa, đạt chuẩn và thật sự vượt xa tốc độ các công nghệ 2G và 3G.

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bắt đầu kế hoạch hướng dẫn các nhà mạng sớm triển khai thử nghiệm 5G, tiến tới thương mại hóa công nghệ này trong thời gian sớm nhất (dự kiến có thể ngay trong năm 2020). Như vậy, liệu đã đến thời điểm cần tính đến chuyện loại bỏ một trong hai công nghệ cũ là 2G hoặc 3G để giải phóng băng tần cho việc phát triển các công nghệ mới, đồng thời cũng giúp các nhà mạng tiết kiệm và giảm chi phí hạ tầng?

Thực tế, mạng di động 2G chỉ thuần túy phục vụ thoại và tin nhắn, mạng 3G là thoại và dữ liệu (data), còn 4G thì hoàn toàn tập trung vào hỗ trợ dữ liệu. Một số nhà mạng trên thế giới như Softbank, NTT, KDDI (Nhật Bản), AIS (Thái-lan),... khi triển khai 4G đã lên kế hoạch "tắt" 2G và giữ lại 3G để đảm trách nhiệm vụ thoại. Tuy nhiên, rất nhiều nhà mạng khác như KT (Hàn Quốc); TrueMove (Thái-lan); StarHub, M1 (Xin-ga-po) lại chọn phương án "tắt" 3G để giữ lại 2G. Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển từ mạng 3G sang 4G có phần dễ dàng hơn so với việc chuyển từ mạng 2G sang 4G. Cụ thể, những thuê bao có nhu cầu sử dụng các dịch vụ dữ liệu đều đã chuyển lên 3G và sau đó phần lớn cũng sẵn sàng chuyển tiếp sang 4G do chất lượng tốt và giá rẻ hơn. Còn các thuê bao vẫn sử dụng 2G, không chuyển sang 3G chắc chắn chỉ có nhu cầu thoại và như thế cũng sẽ rất khó để chuyển sang 4G.

Ở Việt Nam hiện nay, số lượng thuê bao 2G vẫn còn rất lớn, nhất là ở vùng núi và nông thôn. Theo thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Việt Nam vẫn có khoảng 70 triệu thuê bao 2G. Như vậy, việc "tắt" 2G sẽ rất khó khả thi, trong vòng từ ba đến 5 năm tới. Trước thực tế này, một số ý kiến cho rằng, nếu cần thiết, Việt Nam có thể tính đến chuyện "tắt" 3G. Khi đó, 2G sẽ được sử dụng dành riêng để phục vụ thoại, còn 4G và 5G hỗ trợ dịch vụ dữ liệu với chất lượng và chi phí rẻ hơn 3G rất nhiều. Tuy nhiên, thời điểm và lộ trình tắt dải băng tần nào cần phải được tính toán kỹ, hợp lý nhằm bảo đảm hài hòa giữa chi phí nhà mạng phải bỏ ra để hỗ trợ thuê bao chuyển đổi thiết bị đầu cuối và băng tần được giải phóng sớm để đưa vào sử dụng.