Hà Nội bước đầu kiểm kê phát thải
Thông tin trên được Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết trong cuộc hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”, do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức ngày 11-10.
Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, TP Hà Nội đang bước đầu kiểm kê các nguồn thải trên địa bàn thành phố với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB). Từ kết quả này sẽ tính toán lan truyền ô nhiễm, dự báo được ô nhiễm không khí trước một, hai ngày và khi làm được sẽ đưa bản tin về ô nhiễm không khí lên bản tin dự báo thời tiết để người dân cập nhật thông tin về tình hình môi trường.
“Các nhà khoa học từ WB cũng đang phối hợp với chúng tôi phân tích thành phần hóa học của bụi mịn PM 2.5, để xác định nguồn chủ yếu gây bụi từ đâu. Chúng ta phải biết nguyên nhân từ đâu thì chúng ta mới có giải pháp phù hợp để khống chế. Do đó, những dự án này đang triển khai, đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành và từ đó chúng ta sẽ có kiểm soát tốt hơn về chất lượng môi trường không khí của thành phố”, bà Lưu Thị Thanh Chi nói.
Đề cập chi tiết hơn về sự hỗ trợ của WB đối với Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng không khí, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia cao cấp về môi trường của WB, cho biết, Hà Nội là một trong bảy thành phố trên thế giới nằm trong dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng không khí của WB.
Mục đích cuối cùng của dự án là giúp TP Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là hai tỉnh nằm sát Thủ đô Hà Nội xây dựng được kế hoạch quản lý chất lượng không khí, trong đó bao gồm những giải pháp không chỉ hiệu quả về mặt chi phí mà còn về cả kỹ thuật và phù hợp với tình hình của địa phương.
Dự án chia làm ba hợp phần, thứ nhất là tăng cường hệ thống giám sát về chất lượng không khí để tìm hiểu nguồn thải gây ô nhiễm không khí của Hà Nội là từ đâu. Một trong những hoạt động chính của phần này là giúp cho Hà Nội phân tích mẫu bụi mịn PM 2.5; xác định những nguồn phát thải chính bụi PM 2.5 là từ nội tại TP Hà Nội hay từ những khu vực chung quanh.
“Hiện nay, hoạt động này đang tiến hành và phải mất một năm, do tính chất bụi thay đổi theo hướng gió và theo mùa, muốn chính xác phải làm theo thời gian trong từng tháng, từng thời điểm để xác định nguồn bụi này có tính chất hoá học như thế nào, đến từ nguồn nào”, bà Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết.
Bên cạnh đó, WB cũng hỗ trợ kiểm kê lại nguồn thải trên địa bàn TP Hà Nội, khảo sát từ một số nguồn chính như nấu ăn sử dụng than, giao thông, xây dựng,… đóng góp bao nhiêu phần trăm, định lượng rõ nguồn thải. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng không khí, nỗ lực của chính phủ các nước và chính quyền địa phương trên thế giới trong việc cải thiện chất lượng không khí.
Đến 2020 sẽ có hệ thống trạm quan trắc đồng bộ
Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, mạng lưới quan trắc chất lượng không khí nói riêng và mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nói chung của TP Hà Nội đã được xây dựng từ năm 2012. Đến thời điểm hiện tại, các mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố về môi trường nước, môi trường khí đang dần dần được hoàn thiện.
Từ cuối 2016 đầu 2017, Hà Nội đã rà soát lại quy hoạch về mạng lưới lắp đặt quan trắc chất lượngmôi trường không khí và được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Căn cứ trên các khuyến cáo, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư xã hội hóa và đầu tư lắp đặt trước 10 trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố, gồm hai trạm cố định và tám trạm cảm biến. Hiện tại, 10 trạm này đều đang hoạt động ổn định và truyền dữ liệu về trung tâm dữ liệu đặt tại Chi cục Bảo vệ môi trường hằng ngày.Thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các điểm đo được cập nhật 24 giờ trên cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Theo lộ trình, hiện tại Hà Nội đang thực hiện dự án quan trắc với quy mô 33 trạm quan trắc không khí. Trong đó đầu tư thêm 20 trạm cố định, nâng tổng số lên 22 trạm cố định; thêm 12 trạm cảm biến, nâng tổng số 20 trạm cảm; thêm một xe quan trắc lưu động, nâng tổng số lên hai xe. Các xe quan trắc lưu động sẽ quan trắc tại các điểm có sự cố môi trường, điểm nóng ô nhiễm môi trường mà những điểm đó không có trạm quan trắc cố định để có những số liệu quan trắc kịp thời.
“Dự án lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường này đã được HĐND thành phố thông qua và bố trí toàn bộ ngân sách để thực thi. Chúng tôi đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, cuối 2020, những trạm này sẽ được lắp đặt và đi vào hoạt động”, bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, không chỉ TP Hà Nội tiến hành lắp các trạm quan trắc mà các cụm khu công nghiệp, các nhà máy đốt rác, các sơ sở sản xuất cũng phải lắp đặt.
“Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 44 khu công nghiệp đang hoạt động. Chúng tôi đã tiếp nhận 26 trạm quan trắc tự động của các khu công nghiệp và chúng tôi tiếp tục có thông báo, hướng dẫn đồng thời yêu cầu các đơn vị phải lắp đặt và truyền dữ liệu về. Yêu cầu các doanh nghiệp còn lại đến 31-12-2019 phải lắp đặt trạm quan trắc tự động”, ông Mai Trọng Thái nói.
Cũng theo ông Mai Trọng Thái, để đáp ứng yêu cầu cập nhật trực tiếp tình hình chất lượng không khí của TP Hà Nội trên trang moitruongthudo.vn, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tính toán chỉ số chất lượng không khí theo hàng giờ, tăng cường trang web bằng tiếng Anh để khách du lịch và các tổ chức quốc tế tra cứu thuận lợi, tham khảo nhanh nhất.
Trong năm 2017-2018, Hà Nội đã triển khai chương trình vận động tuyên truyền người dân không sử dụng bếp than tổ ong, đổi bếp than cũ lấy bếp sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường. Hiện, chương trình đang được thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, lượng bếp than tổ ong trên địa bàn quận đã giảm gần 70%. Thành phố đang nghiên cứu lộ trình, áp dụng chế tài nếu người dân cố tình không chuyển đổi. Dự kiến đến 31-12-2020 không còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. |
*Bài 1: Hà Nội có phải là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới?