Sâu đầu đen hại dừa xuất hiện nhiều tại Tiền Giang

NDO - Sau thời gian, sâu đầu đen gây hại trên các vườn dừa tại tỉnh Tiền Giang được khống chế thì nay xuất hiện trở lại. Đợt này, sâu gây hại trên diện rộng ở một số xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Hiện, các ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã đang tập trung khống chế để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại trong nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều vườn dừa ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng.
Nhiều vườn dừa ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng.

Xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là khu vực bị sâu đầu đen gây hại nặng. Men theo tuyến đường Bắc Xuân Hòa, chúng tôi không khó để bắt gặp các vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại. Điều đáng nói, có vườn gần như bị thiệt hại hoàn toàn do dịch sâu đầu đen gây ra. Nhiều vườn dừa trước đây xanh tốt thì chỉ trong thời gian không lâu đã trở nên xơ xác, khô trắng.

Ông Nguyễn Phước Hết, ngụ ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông trồng 0,1ha dừa lấy dầu. Cách nay khoảng 1 tháng nay, sâu đầu đen xuất hiện trên vườn dừa của gia đình và gây thiệt hại rất nặng. Theo ông Hết, hiện vườn dừa của gia đình ông bị sâu đầu đen gây thiệt hại hơn 90%, khả năng không thể phục hồi được. Nhiều cây dừa bị sâu tấn công chết trụi. Mặc dù, gia đình ông Hết đã phun thuốc trừ sâu nhưng sâu đầu đen vẫn tấn công mạnh vườn dừa.

“Ban đầu, lá dừa bị lốm đốm bệnh ở một vài lỗ. Sau khi kiểm tra, tôi thấy con sâu nằm bên trong cuốn lá. Sau đó, tình trạng nhiễm bệnh tiếp tục lan rộng. Hiện, các cây dừa đã bị rụng hết trái, lá cũng khô và đang chết dần. Trước đây, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi bán dừa được khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh gây thiệt hại hơn 90% coi như mất nguồn thu nhập”, ông Hết cho biết.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, toàn xã có 668ha dừa. Thống kê toàn xã có khoảng 192ha dừa, với 442 hộ bị bệnh sâu đầu đen gây hại, trong đó có một số ít diện tích bị thiệt hại 100%. Trên địa bàn xã chỉ còn 1 ấp không có bệnh sâu đầu đen gây hại. Hiện, xã đang phối hợp ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân ngăn chặn dịch bệnh. Mỗi ấp đã thành lập 1 tổ đến vận động trực tiếp người dân để phun xịt thuốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 22.000ha dừa. Trong thời gian gần đây, dịch bệnh sâu đầu đen xuất hiện nhiều trở lại trên địa bàn huyện Chợ Gạo, với tổng diện tích 211ha dừa bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiều nhất tại xã Xuân Đông với, diện tích 191ha; xã Hòa Định, với diện tích 16,96ha của 27 hộ; xã An Thạnh Thủy, với 1,55ha của 4 hộ.

Tỷ lệ nhiễm bệnh nặng từ 60-70%, có một số khu vực tỷ lệ nhiễm 100%. Trong đó, có một số diện tích dừa bị nhiễm nặng gần như không còn khả năng phục hồi. Đặc điểm của sâu đầu đen là xuất hiện nhiều trên các loại dừa cao trên 10m.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm sâu đầu đen và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin về sâu đầu đen hại dừa.

Song song đó, ngành nông nghiệp còn tổ chức tập huấn hướng dẫn biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa, phát tờ bướm hướng dẫn biện pháp quản lý tạm thời… đồng thời, ngành cũng vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng, đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời, rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…

Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, vừa qua, sở cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo để có giải pháp tập trung dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Năm 2021, dịch đã xuất hiện 1 lần nhưng không nhiều bằng đợt này. Đối với những vườn dừa lão bị dịch bệnh tấn công, khả năng không còn thu hoạch được, ngành nông nghiệp vận động bà con cắt bỏ và đốt tập trung tiêu diệt mầm bệnh. Đối với vườn dừa 5-6 tuổi, thời gian thu hoạch còn dài thì phun thuốc hóa học, sinh học để ngăn chặn. Giải pháp về lâu dài vẫn là thả thiên địch trên diện rộng.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm sâu đầu đen và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng.

Đồng thời, ngành tiếp tục tổ chức lớp tập huấn cho cấp huyện, cấp xã ở địa phương có trồng dừa về nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn.