Khẩn trương phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa

NDO - Thời gian gần đây, dịch bệnh sâu đầu đen tại tỉnh Bến Tre bùng phát trở lại làm nhiều vườn dừa bị giảm năng suất, một số cây chết phải đốn bỏ. Ngành nông nghiệp cùng nông dân đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen để bảo vệ vườn dừa.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn dừa tại xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) bị sâu đầu đen gây hại. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Vườn dừa tại xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) bị sâu đầu đen gây hại. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Nhiều vườn dừa bị thiệt hại do sâu đầu đen gây hại

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với gần 80 nghìn ha và là thu nhập chính của phần lớn nông dân nơi đây. Từ đầu năm đến nay, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh là hơn 592ha, tăng hơn 327ha so với đầu năm. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 295ha, nhiễm trung bình hơn 162ha, nhiễm nặng hơn 134ha.

Huyện Mỏ Cày Nam có diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen cao nhất khoảng 334ha với 1.252 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, các địa phương bị nhiễm nặng gồm: An Thạnh, Minh Đức, Cẩm Sơn, Đa Phước Hội, Thành Thới B…

Bên vườn dừa lá bị cháy vàng do sâu đầu đen tấn công, ông Phạm Văn Tươi, ngụ ấp 9 (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết: “Mấy tháng nay, vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công nên giảm năng suất hơn 50% so với bình thường, một số cây không cho quả khi bị sâu tấn công hết phần lá. Mới đây, cán bộ nông nghiệp đến hướng dẫn tỉa bớt lá bị sâu gây hại và phun xịt thuốc hy vọng cứu được vườn dừa”.

Khẩn trương phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa ảnh 1

Vườn dừa tại xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) phải đốn bỏ do sâu đầu đen tấn công. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Gần đó, gia đình bà Nguyễn Thị Loan đã hai lần phun thuốc để diệt sâu đầu đen gây hại trên diện tích 2.000m2 dừa đang cho quả. Bà Loan cho biết: “Xung quanh ấp này có nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công. Gia đình tôi tốn gần một triệu đồng cho hai lần phun thuốc nên vườn dừa mới dần hồi phục. Nếu không có giải pháp phòng trừ sâu đầu đen thì vườn dừa bị chết, phải tốn hàng chục năm mới khôi phục lại”. Theo bà Loan, nếu vườn bị nhiễm nhẹ có thể thả ong ký sinh để diệt sâu đầu đen còn khi nhiễm nặng với số lượng bướm đẻ sâu đầu đen nhiều thì chỉ còn cách cắt hết tàu dừa bị nhiễm rồi dùng thuốc sinh học phun từ 2 đến 3 lần mới giúp cây phục hồi.

Xung quanh ấp này có nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công. Gia đình tôi tốn gần một triệu đồng cho hai lần phun thuốc nên vườn dừa mới dần hồi phục. Nếu không có giải pháp phòng trừ sâu đầu đen thì vườn dừa bị chết, phải tốn hàng chục năm mới khôi phục lại

Bà Nguyễn Thị Loan, ngụ ấp 9, xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: "Nắng nóng vào đầu năm 2024 là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài dịch hại, đặc biệt là sâu đầu đen nên diện tích dừa bị nhiễm tăng. Riêng huyện Mỏ Cày Nam có diện tích nhiễm tăng cao, nguyên nhân do người dân chăm sóc kém do giá dừa thấp, khó thực hiện các biện pháp cắt tỉa tàu, nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng khuyến cáo. Từ đó, làm gia tăng khả năng lây lan dịch sâu đầu đen... ”.

Khẩn trương các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen

Hiện tại, ngành nông nghiệp cùng bà con nông dân đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để phòng trừ sâu đầu đen.Xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam) có diện tích nhiễm sâu đầu đen trên 76ha, một số nhà vườn phải đốn bỏ để trồng lại do dừa bị nhiễm nặng, không có khả năng phục hồi.

Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Đức Võ Văn Thẩm cho biết: “Hội Nông dân phối hợp các ngành đã tổ chức bốn đợt tập huấn kỹ thuật để hướng dẫn người dân các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen. Đồng thời, cán bộ địa phương xuống tận nhà để tuyên truyền, vận động người dân phòng trừ sâu đầu đen nhằm tránh lây lan sang các vườn xung quanh. Hiện tại, Hội Nông dân xã Minh Đức đã thành lập đội phun thuốc dịch vụ với 3 máy phun để phục vụ người trồng dừa tại địa phương. Khi đó, sẽ giúp nông dân phun thuốc đúng liều lượng, kỹ thuật nên hiệu quả cao. Một số hộ dân khó khăn được cho nợ khi nào thu hoạch dừa sẽ thanh toán sau. Vì vậy, bước đầu mang lại hiệu quả, ngăn chặn dịch sâu đầu đen lây lan”.

Khẩn trương phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa ảnh 3

Người dân phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt sâu đầu đen. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre đã phóng thích 109,2 triệu con ong ký sinh để diệt sâu đầu đen gây hại vườn dừa. Hiện tại, việc nhân nuôi ong ký sinh được thực hiện tại 9 điểm gồm: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống và Hoa kiểng, các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và Châu Thành.

Ngoài việc phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp thường xuyên phóng thích ong ký sinh để bảo vệ đối với những vườn dừa bị nhiễm nhẹ.

Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cù Lao Minh Nguyễn Văn Đành cho biết: “Tại huyện Mỏ Cày Nam có khoảng 334ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen đã vận động các hộ phun xịt thuốc 332,9ha, diện tích còn lại đang vận động dân tiếp tục phun xịt thuốc. Ngoài ra, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cù Lao Minh tổ chức ba lớp tập huấn quản lý sâu đầu đen trên dừa tại xã An Thạnh, Thành Thới B, Phước Hiệp; Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp đã tập huấn 12 lớp lồng ghép quản lý sâu đầu đen trên dừa tại các xã, hai cuộc sinh hoạt câu lạc bộ nông dân về quản lý sâu đầu đen tại xã An Định. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức 59 lớp tập huấn về nội dung quản lý sâu đầu đen, 23 cuộc sinh hoạt câu lạc bộ nông dân và đã phóng thích trên 24 triệu con ong ký sinh…”.

Khẩn trương phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa ảnh 4

Nuôi ong ký sinh tại Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cù Lao Minh. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức thông tin: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương tăng cường công tác điều tra để kịp thời phát hiện, khoanh vùng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công nhằm thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp, đồng thời có văn bản về việc tăng cường quản lý sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh gửi đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để triển khai một số giải pháp sớm ngăn chặn việc lây lan sâu đầu đen cũng như tiếp tục kiểm soát tốt đối tượng sâu hại này trên địa bàn tỉnh”.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện tăng cường công tác nhân nuôi ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen bảo đảm phòng trừ hiệu quả và bền vững. Đồng thời, điều chuyển nguồn ong ký sinh giữa các huyện để bảo đảm công tác phòng trừ chung của tỉnh và phối hợp với các Viện, Trường thực hiện các nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn biện pháp quản lý sâu đầu đen đặc biệt là biện pháp sinh học.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương tăng cường công tác điều tra để kịp thời phát hiện, khoanh vùng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công nhằm thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp, đồng thời có văn bản về việc tăng cường quản lý sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh gửi đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để triển khai một số giải pháp sớm ngăn chặn việc lây lan sâu đầu đen cũng như tiếp tục kiểm soát tốt đối tượng sâu hại này trên địa bàn tỉnh.

(Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre)

Khẩn trương phòng trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa ảnh 5

Phóng thích ong ký sinh diệt sâu đầu đen tại xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker. Đây là loài sâu hại nghiêm trọng có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre lần đầu xuất hiện sâu đầu đen gây hại trên dừa với diện tích nhiễm là 2,4ha tại ấp Giồng Tre (xã Phú Long, huyện Bình Đại), sau đó, lây lan ra tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với diện tích hơn 1.000ha.