Sâu đậm nghĩa tình quân dân tại chốt chống dịch

NDO -

Ở ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) có một lão nông người dân tộc Khmer đã dùng căn nhà nhỏ của mình làm chốt chống dịch, để lực lượng liên ngành thực hiện nhiệm vụ. Hàng ngày, ông còn bắt cá, tôm, hái rau lo bữa cơm cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Dượng Ba Nhợi trò chuyện, động viên tinh thần anh em trên chốt.
Dượng Ba Nhợi trò chuyện, động viên tinh thần anh em trên chốt.

Căn nhà lá tuy không rộng nhưng thoáng mát nằm bên bờ sông Giang Thành, trước đây vợ chồng ông Lý Văn Nhợi cất “thường trú” để canh giữ vuông tôm của gia đình. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đi khảo sát, tìm vị trí dựng chốt để lực lượng liên ngành “tạm trú”chống dịch. Thấy vậy, ông Nhợi đưa vợ con, các cháu về bên chợ Phú Mỹ ở, dành căn nhà cho đơn vị bộ đội mượn. Tất cả vật dụng trong nhà, ông Nhợi cũng để hết lại.

Do điều kiện vị trí nơi đóng quân xa chợ, cách trở sông nước, anh em bộ đội ngày đêm bận bịu nhiệm vụ, ông Nhợi tự nguyện ở lại lãnh phần chăm lo bữa cơm để lực lượng chống dịch tập trung thời gian, công sức làm tốt nhiệm vụ. Ở bên nhau tình thâm nghĩa dày, anh em chống dịch gọi ông Nhợi bằng dượng Ba, cũng có người gọi bằng chú Ba.

Sâu đậm nghĩa tình quân dân -0
 Dượng Ba Nhợi nấu cơm cùng anh em.

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang kể lại, khi bộ đội đến đây khảo sát vị trí dựng chốt chống dịch, do địa bàn trống, không có nhà dân, lại toàn đất ruộng của bà con nên không chọn được vị trí thích hợp. Rất may, ông Ba Nhợi hiểu được công việc nên kêu bộ đội vào nhà uống nước, rồi có nhã ý cho đơn vị mượn căn nhà làm chốt chống dịch.

“Lúc đó, cả đơn vị rất vui mừng, thầm cảm ơn tấm lòng của dượng Ba. Rồi đến khi năm, bảy anh em lên chốt làm nhiệm vụ, thiếu thốn vật dụng đủ thứ, nhất là chuyện cơm nước, dượng Ba đã “xung phong” làm đầu bếp, lo việc cơm, canh, nước uống. Biên giới này có nhiều người dân như dượng Ba Nhợi thì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới sẽ rất thành công…”, Trung tá Danh Tâm bộc bạch.

Cùng quây quần nhiều tháng qua, dượng Ba luôn xem lực lượng liên ngành như con cháu trong nhà. Hằng ngày, mấy dượng cháu có gì ăn nấy, cùng chịu cực chịu khổ, chia sẻ vui, buồn. Các lực lượng lo thực hiện nhiệm vụ của mình, phần dượng Ba thì bắt cá, hái rau, lục đục nấu nướng. Hết ca trực về, anh em có bữa cơm nóng, canh ngọt no lòng. Ban đêm sau ca trực, cuộc đi tuần về, thi thoảng dượng Ba còn nấu cho anh em nồi cháo lúc thịt gà, khi thịt vịt …

Sâu đậm nghĩa tình quân dân -0
Bữa cơm đầm ấm tại chốt chống dịch số 6, Đồn Biên phòng Phú Mỹ.

“Thật lòng dượng Ba thấy thương cho con cháu mình cực khổ, trời nắng cũng gác, đêm hôm mưa gió gì cũng đi tuần. Dượng thì già rồi, không tiếp giúp được gì nhiều, chỉ lo việc cơm nước lặt vặt để tụi nhỏ yên tâm hơn, có nhiều thời gian mà lo chống dịch. Chứ việc dượng Ba làm có gì đâu mà phải kể công hay ơn nghĩa. Nếu dượng không làm thì người khác cũng làm, bộ đội mà, ai không thương…”, dượng Ba Nhợi tâm sự.

Thấy dượng Ba tuổi già mà phải lo mọi việc cơm canh, nên anh em sau ca trực thay nhau nhặt rau, làm cá, nhưng dượng Ba dành phần không cho anh em làm, muốn anh em được nghỉ ngơi nhiều, lo làm tốt nhiệm vụ. Để có bữa ăn ngon, ngoài tiền ăn cơ bản anh em đóng góp, dượng Ba ra ruộng hái rau đồng, đi giăng lưới, cắm câu bắt thêm con cá, con tôm để cải thiện. Tiền chất đốt, gạo, nước, dượng Ba “miễn phí” luôn cho anh em.

Binh nhất Trần Nguyên Thái, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được tăng cường từ thành phố Đà Nẵng, đang làm nhiệm vụ tại chốt chống dịch số 06 (nhà ông Nhợi) Đồn Biên phòng Phú Mỹ, bộc bạch: “Đi từ miền trung vào đây, đến đâu em cũng thấy bà con thương mến, dành nhiều tình cảm cho bộ đội. Vào vùng biên giới Tây Nam này, xa nhà, nơi đóng chốt không điện, không đường giao thông, thiếu nước ngọt, không người thân, không có chợ búa gì… nhưng đổi lại có tình cảm của dượng Ba và bà con ở đây là niềm động viên lớn lao. Những tình cảm, tấm lòng của dượng Ba và bà con vùng biên dành cho tụi em, là động lực, là niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để chúng em hoàn thành nhiệm vụ…”.

Bữa cơm hằng ngày tại chốt ít khi đủ mặt, vì vẫn còn thiếu nhiều anh em đang trong ca trực. Bữa cơm không có gia đình ở bên, nhưng vẫn đầm ấm tình nghĩa. Đó là nghĩa tình quân dân, nghĩa tình của dượng Ba Nhợi dành cho lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu.

Ủng hộ phòng chống dịch Covid-19