Bài 1: Giúp dân là mệnh lệnh trái tim
Triển khai đồng bộ các biện pháp
Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng, cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 ở trong nước diễn biến phức tạp, nhất là ở một số địa phương phía nam thuộc địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, thực hiện nghiêm chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, quy định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Phát hiện sớm các ca bệnh, tổ chức quyết liệt các biện pháp truy vết, cách ly kịp thời, xét nghiệm sàng lọc, khoanh vùng dập dịch triệt để, hạn chế sự lây lan dịch bệnh vào đơn vị. Đồng thời, giao các đồng chí Tư lệnh các quân khu chịu trách nhiệm chỉ huy điều hành toàn bộ lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch theo yêu cầu của địa phương.
Đáng chú ý, ngay từ khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch trở lại, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 7 chủ động triển khai sớm 55 điểm cách ly tập trung, với gần 13 nghìn giường; cử lực lượng tham gia quản lý 302 điểm cách ly dân sự. Thành lập hàng trăm tổ, đội cơ động phòng chống dịch, các tổ chuyên khoa, tổ truy vết Covid-19 và hơn 200 tổ lấy mẫu xét nghiệm. Các bệnh viện quân y thuộc Quân khu 7 chuẩn bị các khu điều trị và tổ chức các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19; chuẩn bị khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Quân y 175. Đồng thời, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chi viện cho TP Hồ Chí Minh gần 1.000 cán bộ, nhân viên quân y; triển khai 10 máy xét nghiệm, 2 xe xét nghiệm có khả năng lấy 1.500 mẫu và xét nghiệm từ 4.400 - 4.700 mẫu đơn/ngày...
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 chuẩn bị gần 200 tổ lấy mẫu, hàng chục tổ xét nghiệm cơ động xét nghiệm cho các địa phương; chủ động triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 đặt tại Sư đoàn 8, quy mô 300 đến 500 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 (chủng Delta) diễn biến nhanh, phức tạp, nguy cơ bùng phát diện rộng, Bộ Quốc phòng đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội giúp các địa phương phòng chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo Trường sĩ quan Lục quân 2 sử dụng trường bắn tổng hợp để triển khai khu cách ly tập trung và tăng cường lực lượng hỗ trợ thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) phòng chống dịch; Bệnh viện Quân y 87 (Tổng cục Hậu cần) và các đơn vị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ đạo lực lượng vận tải quân sự của Quân khu 7, Quân khu 9 và Tổng cục Hậu cần huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển công dân về nơi cách ly, vật chất hậu cần, kỹ thuật, trang, thiết bị, vật tư y tế và lương thực, thực phẩm phục vụ các khu vực dân cư bị phong tỏa, cách ly.
Để sát cánh cùng địa phương phòng chống dịch, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, cho biết: Ngay từ đầu tháng 6, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 đã họp ban hành Kết luận số 579-KL/ĐU về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Quân khu; triển khai Chỉ thị mở chiến dịch cao điểm giúp nhân dân với nhiều chủ trương, giải pháp, quyết liệt, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện chủ trương của Quân khu “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương đơn vị phía trước”, “địa phương, đơn vị ngoài vùng dịch hỗ trợ giúp đỡ địa phương trong vùng dịch”, “vùng có dịch ít hỗ trợ, giúp đỡ vùng có dịch nhiều”, chủ động ứng phó với cấp độ dịch cao nhất có thể xảy ra trên địa bàn, có tình huống là xử lý kịp thời không để bị động, bất ngờ.
Nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu đã chủ động nhường doanh trại, hỗ trợ vật chất, kinh phí, tận tình phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly. Đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: “Siêu thị 0 đồng”; “Cây ATM gạo”; “Hũ gạo tình thương”; “Bữa cơm nghĩa tình”; “Tủ cơm, cháo miễn phí”; “Tủ đồ dùng thiện nguyện”; “Gian hàng lưu động 0 đồng”…
Trong đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, chia sẻ khó khăn cho nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với hàng trăm tấn rau, củ, quả; hàng trăm tấn gạo; hàng chục nghìn quả trứng gà, vịt; cùng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu khác trị giá hơn 100 tỷđồng.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, 19 tỉnh, thành phố phía nam, trong đó có 7/9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 7 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngày 21/7, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 đã ra chỉ thị yêu cầu lực lượng vũ trang Quân khu mở chiến dịch cao điểm giúp nhân dân trên địa bàn vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về phòng chống dịch Covid-19; thấu suốt quan điểm giúp dân là chức năng, nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ, tuyệt đối không để dân đói khổ, khó khăn, thiếu thốn trong đại dịch.
Thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”
Theo Trung tướng Trần Hoài Trung, hiện lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã và đang thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” đó là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và phòng chống dịch Covid-19; trong đó phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Với tinh thần “vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, lực lượng vũ trang Quân khu đã phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, không để lây nhiễm trong đơn vị, hạn chế thấp nhất lan rộng ra cộng đồng trên địa bàn.
Trong đó, để chia sẻ với ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trên địa bàn, Quân khu đã thành lập thêm hai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 và 5B với 1.000 giường bệnh; chuyển đổi Bệnh viện Quân dân y Miền Đông thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; triển khai 520 giường bệnh tuyến bệnh xá, bệnh viện trên địa bàn quân khu; chỉ đạo các bệnh viện duy trì chín đội, 56 tổ cơ động phòng chống dịch, 129 tổ xét nghiệm, 51 tổ truy vết; tổ chức 14 tổ tiêm vắc xin…
Riêng TP Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Quân khu đã hỗ trợ hơn 24 nghìn cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ phục vụ tại 13 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, các khu cách ly, chốt chặn, khu phong tỏa. Bên cạnh đó, Quân khu còn chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phối hợp bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, cơ quan chức năng địa phương tổ chức 445 chốt liên ngành; tăng cường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam-Campuchia trên địa bàn, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch.
Là một trong những “điểm nóng”- tâm dịch ở phía nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, cho biết: Tính đến ngày 23/7, thành phố có 46.178 ca nhiễm Covid-19, trong đó từ ngày 9/7 đến 6 giờ ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm, 382 trường hợp tử vong… Để góp phần cùng thành phố ngăn chặn dịch bệnh, Bộ Tư lệnh thành phố phối hợp các đơn vị, lực lượng thực hiện đợt cao điểm phun thuốc khử khuẩn tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phan Văn Xựng cho biết: từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, Bộ Tư lệnh thành phố đã huy động hơn 24 nghìn cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ; điều động hàng trăm sĩ quan, cán bộ các cơ quan, đơn vị, nhà trường bổ sung cho Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tại địa phương… Để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, phục vụ công dân điều trị, cách ly tại các cơ sở y tế trên địa bàn, lực lượng vũ trang thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức các chương trình: “Phiên chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trong đó, Ban Chỉ huy Quân sự quận Bình Tân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị có sáng kiến tái chế bìa các tông thành các “giường dã chiến”. Thay vì đóng giường gỗ hoặc giường sắt chi phí tốn kém, mất nhiều thời gian, những chiếc giường bằng bìa giấy nêu trên rất tiện lợi, chỉ mất khoảng 5-7 phút để “lắp ráp”, dễ di chuyển và phù hợp các cơ sở y tế dã chiến…
Với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, mặc dù chỉ cách nhà khoảng hơn 10 km, nhưng suốt hai tháng qua, Trung úy Trần Văn Tốt, làm nhiệm vụ tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia chưa lần về thăm vợ con. Trung úy Tốt kể: Làm nhiệm vụ tại đây, tôi cùng đồng đội bận rộn với công việc phục vụ công dân trong khu cách ly, vì lượng người vào khu cách ly ngày càng nhiều. Trong khi đó, một số người vào khu cách ly y tế do tâm lý bị dao động, cho nên cư xử thiếu tế nhị, nhưng chúng tôi bảo nhau tìm cách động viên để họ yên tâm cách ly. Nhưng cũng có nhiều người thấy tôi cùng đồng đội vất vả đã chia bớt những phần quà mà người nhà họ gửi vô. Tình cảm quân dân đó như một niềm an ủi rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ chúng tôi làm nhiệm vụ ở đây. Tất cả chỉ mong dịch sớm qua đi mọi hoạt động sớm bình thường trở lại.