Sập bờ kè sông Phó Đáy tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch

NDO - Đêm 28/6 vừa qua, tại khu vực đền Mẫu, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đã xảy ra sự cố sập toàn bộ bờ kè sông Phó Đáy, đồng thời xảy ra sụt lún, xuất hiện những vết nứt lớn trên toàn bộ phần diện tích sân đền Mẫu. Vụ việc không gây ra thiệt hại về người, nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ sập bờ kè.
Hiện trường vụ sập bờ kè.

Công trình Xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện khẩn cấp tại Quyết định số 1933/QĐ-CT ngày 28/10/2022.

Tổng mức đầu tư công trình là 19,5 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu trong nước (rút gọn). Công trình gồm 2 hạng mục chính là xử lý sạt trượt khu vực đền Mẫu và xử lý sạt trượt trạm bơm Phú Bình II với tổng chiều dài khoảng 350m.

Sự cố sập kè chỉ xảy ra tại khu vực Đền Mẫu.

Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đơn vị thi công xây lắp là liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty TNHH thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh.

Đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc.

Đơn vị tư vấn giám sát là Trung tâm Kiểm định, giám sát công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc.

Có mặt tại hiện trường vụ sập kè, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong đợt mưa lớn 3 ngày 25-27/6 vừa qua, lượng nước sông Phó Đáy chảy qua khu vực Đền Mẫu lớn, do lòng sông có độ dốc cao nên nước chảy siết với vận tốc lớn và có gió giật mạnh cục bộ.

Sập bờ kè sông Phó Đáy tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch ảnh 1

Cấu trúc bê tông chống đỡ bị bẻ gẫy.

Đến ngày 28/6, khu vực Đền Mẫu bắt đầu xuất hiện một số vị trí nứt nhỏ tại sân phía ngoài đền, tại vị trí giữa tường chắn bê tông và mái nghiêng.

Chủ đầu tư cùng các đơn vị đã liên tục thực hiện quan trắc chuyển vị ngay sau khi xuất hiện các vết nứt nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng sụt lún khu vực đền diễn ra phức tạp, diễn biến chuyển vị nhanh và liên tục.

Từ 22 giờ đến 23 giờ ngày 28/6, toàn bộ các hạng mục công trình kè xây dựng mới ở khu vực Đền Mẫu đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Phần tường chắn bê-tông bị xô đổ hoàn toàn. Khu vực sân phía ngoài đền bị sụp lún; hệ thống lan can, sàn bê-tông gãy vỡ nghiêm trọng.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, Đền Mẫu được xây dựng bằng bê-tông cốt thép đã bị rạn nứt và có nguy cơ sạt lở toàn bộ. Cây đề lớn trên sân đền, được công nhận là cây di sản, đã nghiêng hẳn.

Nhiều vết nứt xuất hiện trên bậc thềm Đền Mẫu và phần tiếp giáp giữa đền với đường đi. Cách khu vực sạt lở khoảng 20m, xuất hiện những vết nứt trên lớp bê-tông kè chống sạt lở thuộc dự án do Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Được biết, ngày 8/10/2022, khu vực này đã xảy ra sạt lở, sụt lún.

Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Lập Thạch báo cáo và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho thực hiện dự án cấp bách kè chống sạt lở.

Ngày 28/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Đến nay, công trình đã thi công xong, đang chờ nghiệm thu.

Thực hiện Quyết định số 1933/QĐ-CT ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh, ngày 9/12/2022, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Văn Quyết ký văn bản tham gia ý kiến đối với phương án xây dựng, quy mô, giải pháp kỹ thuật sơ bộ xây dựng công trình này.

Văn bản ghi rõ, Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình khẩn cấp bảo đảm năng lực, kinh nghiệm; chỉ đạo tư vấn thiết kế đo đạc, khảo sát địa hình bảo đảm số liệu sát thực tế làm tài liệu tính toán thiết kế cho phù hợp; cử cán bộ giám sát khảo sát trong quá trình khảo sát; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu khảo sát (địa hình, địa chất); bổ sung đầy đủ tài liệu thủy văn, để chuẩn xác trong tính toán các chỉ tiêu, thông số thiết kế bảo đảm an toàn, kinh tế-kỹ thuật, tránh lãng phí.

Trường hợp có ảnh hưởng phải chỉ đạo đơn vị thi công có biện pháp chằng chống để giữ ổn định khu Đền Mẫu trong quá trình thi công; đơn vị thi công chịu trách nhiệm toàn diện nếu quá trình thi công ảnh hưởng đến an toàn của công trình lân cận.

Như vậy, cơ quan chức năng đã lường trước những nguy cơ xảy ra sự cố vì địa hình thi công phức tạp, yêu cầu kỹ thuật thi công cao. Tuy nhiên sự cố vẫn xảy ra.

Sập bờ kè sông Phó Đáy tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch ảnh 2
Địa phương lập hàng rào bảo vệ khu vực sạt lở.

Xã Sơn Đông và huyện Lập Thạch có báo cáo khẩn ngay trong đêm xảy ra sự cố. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay lập tức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đến hiện trường để xử lý.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp xử lý sự cố.

Ông Hoàng Long Biên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lập Thạch cho biết, ngay sau khi phát hiện sự cố sập bờ kè, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lập Thạch cùng các phòng, ban đã đến hiện trường họp với chính quyền xã và thôn. Để bảo đảm an toàn cho khu vực sạt lở, huyện Lập Thạch chỉ đạo cắt điện tại khu vực xảy ra sự cố.

Đến 14 giờ chiều 30/6, địa phương đã đặt xong rào chắn cứng, đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, canh gác nghiêm ngặt đề phòng nguy cơ mất an toàn. Huyện cũng chỉ đạo xã Sơn Đông khẩn trương rà soát các hộ dân sinh sống cạnh khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án di dời kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Xã Sơn Đông phối hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng canh gác, ngăn chặn người dân tự ý đi vào khu vực sạt lở và thông báo đến người dân toàn xã về sự cố, tổ chức tháo dỡ mái tôn khu vực trước cửa đền Mẫu và di chuyển tài sản, đồ thờ của đền Mẫu đến nơi an toàn.

Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Vũ cho biết: "Để xác định nguyên nhân gây sập toàn bộ kè sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu, chúng tôi đang tìm cơ quan có năng lực để giám định, đưa ra kết luận trên cơ sở khoa học, khách quan.

Cơ quan giám định có thể phải giám định tất cả các khâu, trình tự quản lý kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, giải pháp kỹ thuật, thậm chí phải kiểm định cả chất lượng vật liệu, hồ sơ quản lý chất lượng và nhiều nội dung khác. Từ đó sẽ đề ra giải pháp khắc phục hậu quả tiếp theo".