Cũng như nhiều tiểu thương khác, sau sự cố sập bờ kè chợ Tân Hạnh xuống sông Đồng Nai vào giữa năm 2018 đến nay, anh Vũ Văn Toàn đã đưa hàng hóa ra trước cổng chợ, khu vực lề đường tỉnh lộ 16 để buôn bán. Điều này, không chỉ mất mỹ quan đô thị và còn rất nguy hiểm về an toàn giao thông cho người bán, lẫn người mua. Bởi lẽ, tuyến đường này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dày đặc, nhất là các loại xe trọng tải lớn từ Đồng Nai đi Bình Dương và ngược lại: “Tôi có trong danh sách các ki-ốt bị ảnh hưởng do việc sập bờ kè xuống sông, nhưng không thấy chính quyền sửa chữa, khắc phục. Do đó, tôi buộc phải mang hàng hóa ra lề đường để bán. Dẫu biết rằng, bán ngoài này mất an toàn giao thông, nhưng tôi không còn cách nào khác, vì thu nhập chính cả nhà trồng chờ vào tôi”, anh Toàn cho hay.
Tương tự, tiểu thương Trần Thị Đèo cũng buộc phải bán ở lề đường hơn một năm nay, vì ki-ốt bên trong chợ buộc phải tạm ngưng do ảnh hưởng từ việc sập bờ kè: “Giờ tiểu thương chúng tôi chỉ mong các ngành chức năng sớm sửa chữa lại chợ để ổn định kinh doanh. Thực tình, tràn ra đường bán như thế này là điều không ai mong muốn”, chị Đèo kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hạnh Phan Ngọc Phúc cho biết, trước việc nhiều tiểu thương chợ Tân Hạnh tràn ra lề đường tỉnh lộ 16, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương không buôn bán. Đồng thời, liên tục ra quân lập lại trật tự lòng lề đường vỉa hè trước cổng chợ. Thế nhưng, sau khi lực lượng rút khỏi khu vực trên, gần như đâu lại vào đó.
Trước đó, như Nhân Dân điện tử đã thông tin, vào tháng 6-2018, đoạn bờ kè chợ Tân Hạnh mới đưa vào sử dụng, đang trong thời gian bảo hành thì bị đổ sập xuống sông Đồng Nai. Sự cố đã kéo theo hơn 20 sạp, ki-ốt ở chợ bị sập và ảnh hưởng một phần, buộc ngành chức năng phải cho tạm ngưng kinh doanh. Đến nay, UBND TP Biên Hòa đã làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, nhưng vẫn chưa hoàn thành việc khắc phục.
Liên quan đến vụ việc này, một lãnh đạo UBND TP Biên Hòa cho biết, đã giao Ban Quản lý dự án Biên Hòa lập dự án để làm lại bờ kè chợ Tân Hạnh, sớm đưa các tiểu thương bị ảnh hưởng vào hoạt động trong chợ an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do địa chất, dòng nước sông Đồng Nai ở đây rất phức tạp, đòi hỏi việc thiết kế hết sức thận trọng, tránh tiếp tục xảy ra các sự cố tương tự.
Như vậy, đến nay, sau hơn hai năm từ ngày sự cố sập bờ kè chợ Tân Hạnh, nhiều tiểu thương vẫn không có nơi để buôn bán, buộc phải tràn ra lề đường kinh doanh tạm bợ. Do đó, đề nghị ngành chức năng TP Biên Hòa khẩn trương khắc phục, đáp ứng mong muốn chính đáng của tiểu thương ở đây.