Du khách viếng thăm mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Du khách viếng thăm mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Sao anh không về chơi Ghềnh Ráng?

Chẳng dám nghĩ thơ Hàn sẽ được đọc, được nhớ nhiều nhưng nếu đến thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định mà không đến thăm mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi Nhân, phường Ghềnh Ráng thì coi như chuyến đi chưa trọn vẹn; coi như những vần thơ đã học trên giảng đường chẳng để lại cho chúng ta một điều gì về Thơ mới, một thời đại thi ca rực rỡ của văn học Việt Nam và Hàn Mạc Tử (1912-1940), một tượng đài của thời đại thi ca đó; và chúng ta cũng không biết vườn thơ bút lửa của Dzũ Kha, một người yêu thơ Hàn Mạc Tử điên cuồng và có thể được xem là tri kỷ của ông.

Tuy vậy, nếu chỉ thăm mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi Nhân ở Ghềnh Ráng, chúng ta sẽ không thể hiểu hết về cuộc sống và sự nghiệp thi ca của ông, nhất là quãng thời gian ngắn ngủi ông điều trị bệnh tại Bệnh viện phong Quy Hòa (hay còn gọi là Trại phong Quy Hòa) nằm trong giáo xứ Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn.

Bình Định trời văn

Thật tình cờ khi ghé thăm Tháp Đôi nằm ở trung tâm thành phố Quy Nhơn, tôi đã bắt gặp tại đó những băng-rôn, khẩu hiệu chưa được tháo xuống của Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định năm 2023 nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 và hình ảnh những nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc như Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Quách Tấn, Yến Lan…

Chẳng có gì lạ khi bên cạnh tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng nhiều danh tướng Tây Sơn, để Bình Định xứng đáng được gọi là đất võ, họ là lý do để Bình Định còn được gọi là trời văn. Tuy nhiên, điều khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về Hàn Mạc Tử không chỉ vì mộ ông trên đồi Thi Nhân luôn là một điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào mà còn vì ông là thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh, và vì ông được chôn cất ở Quy Nhơn dù sinh ra tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Thế nhưng, thay vì như nhiều người thường làm là ghé thăm đồi Thi Nhân và thắp hương tưởng nhớ nhà thơ, tôi quyết định đến Trại phong Quy Hòa, một nơi không phải ai cũng biết nếu không tìm hiểu sâu về Hàn Mạc Tử, trước tiên. Thật lạ là Quy Nhơn một ngày trước còn nắng nóng, trời trong xanh thì hôm đấy đổ mưa như trút nước, mưa suốt từ đường Hàn Mạc Tử dẫn lên con đèo ngắn đâm ra đường Quốc lộ 1D và trời trở nên u ám, sầm sì.

Trong cuốn sách đầu tiên viết về Hàn Mạc Tử sau khi nhà thơ mất có tên Hàn Mạc Tử vào năm 1941, nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại có viết: “Thành phố Quy Nhơn có thể ví như một vành móng ngựa nằm lọt giữa ba mặt núi vây quanh của dãy Trường Sơn. Mặt nước là bể.

Quy Hòa nằm ở mút đầu phía bên mặt. Đứng ở Quy Nhơn, trông ra xa, thăm thẳm mù mù, người ta có thể thấy màu đỏ của mái ngói nhà thương phung (phung là bệnh phong). Người ta đến đấy do một con đường đèo cao chót vót: qua hết đèo là xuống một thung lũng rộng, toàn trồng thứ dừa Bình Định, thân cao và rất sai trái, nó đã cho chỗ đất ấy một cái tên rất nên thơ: Vũng dừa…”

Đường đến Trại phong Quy Hòa

Sao anh không về chơi Ghềnh Ráng? ảnh 1

Bảng chỉ dẫn nơi an táng đầu tiên mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử tại Trại phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đó là những câu mở đầu trong phần viết về Quy Nhơn và Trại phong Quy Hòa ở cuốn Hàn Mạc Tử, còn sau khi gõ địa chỉ Trại phong Quy Hòa nhưng Google Maps chỉ hiện ra Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa, tôi đành vượt qua dốc Quy Hòa tới đó hỏi thêm thì được biết, đây không phải là nơi tôi cần tìm. Đành trở ngược ra đường quốc lộ 1D và trong lúc còn đang xác định nên đi hướng nào, một người dân đi ngang qua đã chỉ cho tôi con dốc khác theo chiều ngược lại với Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa.

Đi thêm một đoạn nữa thì ngay đầu dốc là tấm biển ghi Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa cơ sở 1 và giống như con đèo ngắn trước đó, tôi đã phải lượn qua rất nhiều khúc cua tay áo để rồi cuối cùng dừng chân trước bức tượng bán thân A. Hansen (1841-1912), bác sĩ người Na Uy được biết đến nhờ công trình khám phá vi khuẩn gây bệnh phong cùi, đặt bên ngoài cổng bệnh viện.

Trời lúc này đã tạnh mưa và theo hướng tay của người bảo vệ, tôi đi sâu hơn vào bên trong Trại phong Quy Hòa. Đột nhiên, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến tôi nổi da gà, không biết có phải do trời lạnh hay vì khung cảnh vắng vẻ nơi đây.

Thế nên, dù biển chỉ dẫn mộ Hàn Mạc Tử ngay trước mặt và rẽ ngay bên trái, tôi muốn hướng thẳng ra bờ biển Quy Hòa để từ đó quan sát toàn bộ khu vực chung quanh, cũng như giúp tôi xua đi những lo lắng ban đầu.

Nhìn từ phía ngoài bờ biển vào, dù trời đen kịt và gió thổi ào ào, nhưng Vườn tượng danh nhân y học vẫn nổi lên trắng sáng. Đây là nơi ghi nhớ công ơn của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, nhân đạo vì bệnh nhân phong, với 54 bức tượng bán thân được xếp theo vòng tròn.

Cách không xa là tượng đài nhỏ diễn tả nỗi đau và sự vươn lên của bệnh nhân phong cùng dòng chữ khắc trên đó “Nỗi đau khổ của người mắc bệnh phong sẽ đi về dĩ vãng”; tượng Marie de la Passion, người sáng lập dòng Phan sinh Thừa sai Đức mẹ.

Tiếp tục đi trên con đường dọc bờ biển, tôi thấy thêm tấm bia đá khắc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế ngày 27/2/1955. Con đường này sau đấy đã dẫn tôi đến Tu viện Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, nhà thờ St Francis of Assisi, những ngôi nhà nhỏ với kiểu dáng kiến trúc đơn giản rồi tới Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử, nơi ông nằm chữa bệnh từ ngày 30/10 và mất ngày 11/11/1940.

Căn phòng nhỏ của Hàn Mạc Tử nằm phía đầu dãy nhà cấp 4 mái ngói, mở cửa tự do, bên trong treo rất nhiều khung hình là các bài thơ, hình ảnh, câu nói về nhà thơ.

Tuy vậy, thứ làm tôi chú ý hơn không phải là cái giường đơn hay những bức ảnh về người thân, những nàng thơ của Hàn Mạc Tử mà là tấm bảng gỗ có khắc dòng chữ “… Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử” của nhà thơ Chế Lan Viên, trích trong “Những kỷ niệm về Hàn Mạc Tử” đăng trên báo Người Mới số 5 ra ngày 23/11/1940 được treo ngay trên bức tượng bán thân của ông.

Sao anh không về chơi Ghềnh Ráng? ảnh 2

Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử tại Trại phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bởi chỉ dừng chân ở đồi Thi Nhân thôi, tất cả sẽ không biết được nơi an táng đầu tiên của Hàn Mạc Tử và vì sao cuộc đời của ông lại ngắn ngủi như vậy, khi ông qua đời ở tuổi 28 nhưng đã dự cảm được cái chết của mình trong không chỉ một hay hai bài thơ. Chẳng hạn như bài Trút linh hồn với những câu thơ như Máu đã khô rồi thơ cũng khô/Tình ta chết yểu tự bao giờ!/Từ nay trong gió, trong mây gió/Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ…

Thật tiếc là phòng lưu niệm này không nằm gần mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi Nhân, không thì tạo thành một tour du lịch khép kín, để du khách tới đó có thể hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp thi ca của ông. Thực tế là tôi đã tự hỏi, nếu ở đồi Thi Nhân luôn có người thắp lửa thơ Hàn như Dzũ Kha, tại sao Trại phong Quy Hòa lại không có một người tri kỷ tương tự.

Bởi chỉ dừng chân ở đồi Thi Nhân thôi, tất cả sẽ không biết được nơi an táng đầu tiên của Hàn Mạc Tử và vì sao cuộc đời của ông lại ngắn ngủi như vậy, khi ông qua đời ở tuổi 28 nhưng đã dự cảm được cái chết của mình trong không chỉ một hay hai bài thơ. Chẳng hạn như bài Trút linh hồn với những câu thơ như Máu đã khô rồi thơ cũng khô/Tình ta chết yểu tự bao giờ!/Từ nay trong gió, trong mây gió/Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ…

Những “lời thơ như dính máu” (theo cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân) và ẩn chứa đau thương đó làm trào dâng trong tôi nhiều cảm xúc đan xen, cũng như khiến tôi rùng mình một lần nữa khi ghé qua nơi an táng đầu tiên của Hàn Mạc Tử cách không xa Vườn tượng danh nhân y học.

Trong cuốn Hàn Mạc Tử xuất bản năm 1941, Trần Thanh Mại viết: “Mộ Hàn Mạc Tử chỉ có một chiếc thập tự làm bằng hai que củi đóng một cái đinh ở giữa. Mười tháng sau khi thi sĩ mất, chiếc thánh giá đỡ đầu cho mộ chàng đã sụp đổ…”.

Vậy mà ông đã nằm ở đây 19 năm trước khi được gia đình và người bạn, nhà thơ Quách Tấn cải táng về đồi Thi Nhân vào năm 1959. Trên mộ cũ của ông, ca sĩ Nhật Trường (tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) và một số văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1985 đã dựng đài tưởng niệm hình cây bút, quyển sách để thương tiếc, tưởng nhớ một tài năng nhưng bạc mệnh.

Để thơ Hàn cháy đỏ

Sao anh không về chơi Ghềnh Ráng? ảnh 3

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đứng từ bờ biển Quy Hòa có thể thấy rõ đồi Thi Nhân và ngược lại nhưng đi từ Trại phong Quy Hòa ra, tôi sẽ phải vượt qua hai con dốc với nhiều khúc cua gấp. Chính xác là ba con dốc bởi từ cổng Khu di tích Ghềnh Ráng, để lên đồi Thi Nhân còn có dốc Mộng Cầm được đặt theo tên một trong những nàng thơ của Hàn Mạc Tử. Qua dốc Mộng Cầm và đường lên là những bậc tam cấp bằng đá, với hai hàng cau cao phủ bóng mát, là khuôn viên mộ Hàn Mạc Tử.

Ngôi mộ được thiết kế đơn giản, với những biểu tượng của Công giáo do nhà thơ theo đạo, và không gian chung quanh rất thoáng, tạo một cảm giác dễ chịu, gần gũi, hoàn toàn khác xa với sự vắng lặng đến run người ở đài tưởng niệm tại Trại phong Quy Hòa mà tôi đã trải qua.

Thậm chí, vào ngày tôi lên đây thắp hương, khách du lịch từ khắp nơi tham quan cũng rất đông. Tôi biết, một phần họ tới đây vì mộ Hàn Mạc Tử, phần vì tất cả đều muốn ghé bãi tắm Hoàng Hậu hay còn gọi là bãi Trứng vì có nhiều hòn đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ nằm xếp chồng lên nhau.

Tương truyền, trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền trung, Nam Phương Hoàng hậu đã chọn nơi đây là bãi tắm cho riêng mình nên bãi tắm Hoàng Hậu có tên gọi từ đấy.

Tuy vậy, trước khi theo con đường khác dẫn tới bãi Trứng, khách du lịch nên rảo bước lên một đoạn để đến lều thơ Dzũ Kha, người đã có 40 năm gắn bó, gìn giữ và truyền bá thơ Hàn Mạc Tử.

Lại nói về cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại, nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam này từng đặt câu hỏi về việc Hàn Mạc Tử khi mất mà không được ai để ý, quan tâm đến (Đám đưa đơn sơ lắm. Người nhà Hàn Mạc Tử không ai hay biết gì hết. Chỉ có một ông chức việc, hai người sĩ và người bạn không rời là Nguyễn Văn Xê đi theo - trích trong Hàn Mạc Tử) nhưng rồi chính ông cũng dự báo “Hàn Mạc Tử “phục sinh” trong trí nhớ những người hâm mộ thơ chàng”, rằng “Tôi vẫn biết trước, trong một ngày không lâu, người ta sẽ dành nhau cái vinh dự xây dựng cho thi sĩ Hàn Mạc Tử những chiếc thánh giá vĩ đại, đến cả những lăng tẩm nguy nga nữa…”.

Thực tế thì cũng phải đến năm 1982, Hàn Mạc Tử mới tìm được tri kỷ của ông là Dzũ Kha, người đã giữ lửa thơ Hàn trong hơn 40 năm qua. Khi đến Ghềnh Ráng, tôi đã nghĩ mình sẽ không gặp được Dzũ Kha vì không hẹn trước nhưng rồi khi gặp được ông bên Vườn thơ Hàn Mạc Tử, nhìn ông chăm chút khu vườn, nghe ông đọc thơ và kể về tiểu sử thi sĩ, tôi đã hiểu được vì sao ông đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Ghềnh Ráng, với nơi yên nghỉ của Hàn Mạc Tử, dùng cây bút lửa chép thơ Hàn, hằng năm tổ chức sinh nhật cho thi sĩ như thể thi sĩ vẫn còn hiện diện đâu đây.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi một bên mộ Hàn Mạc Tử là tấm bảng in bài thơ của Dzũ Kha có tiêu đề “Tôi nguyện giữ lửa thơ Hàn”, với những câu như Đam mê từ sáng đến chiều/ Dzũ Kha bút lửa nâng niu thơ Hàn/ Đông về, Thu lại, Xuân sang/ Cùng ai với ánh trăng vàng biển khơi/ Thỏa lòng đổi tót cuộc chơi/ Chỉ mong tìm lấy một đời thường thôi.

Tôi đã tự hỏi nếu không phải là Dzũ Kha, sau này còn ai truyền bá, thắp lửa thơ Hàn như ông hay nên chăng bên mộ Hàn Mạc Tử có một bảng chỉ dẫn về Trại phong Quy Hòa nhưng rồi lại nghĩ, hơn 80 năm qua kể từ khi Hàn Mạc Tử đi vào cõi mộng, thơ ông vẫn đồng hành cùng văn chương Việt Nam, vẫn được ngâm lên, đọc lên từ những tâm hồn đồng điệu, những người yêu mến ông và tại Ghềnh Ráng, mộ ông đã có hàng trăm nghìn người ghé thăm.

Nói như nhà thơ Chế Lan Viên trong lời tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử (Nhà xuất bản Văn học, 1987) thì “… Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như một ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.

Ghềnh Ráng vào cuối buổi chiều, khi tôi rời khỏi đó, trời bỗng sáng, trong xanh đến lạ thường.

Tôi đã tự hỏi nếu không phải là Dzũ Kha, sau này còn ai truyền bá, thắp lửa thơ Hàn như ông hay nên chăng bên mộ Hàn Mạc Tử có một bảng chỉ dẫn về Trại phong Quy Hòa nhưng rồi lại nghĩ, hơn 80 năm qua kể từ khi Hàn Mạc Tử đi vào cõi mộng, thơ ông vẫn đồng hành cùng văn chương Việt Nam, vẫn được ngâm lên, đọc lên từ những tâm hồn đồng điệu, những người yêu mến ông và tại Ghềnh Ráng, mộ ông đã có hàng trăm nghìn người ghé thăm.
Nói như nhà thơ Chế Lan Viên trong lời tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử (Nhà xuất bản Văn Học, 1987) thì “… Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như một ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.

back to top