Đó là các vấn đề: “làn sóng” công chức, viên chức rời bỏ khu vực công; tinh giản biên chế, cải cách tiền lương; sách giáo khoa; lạm phát; bình ổn giá xăng dầu; nhà ở xã hội... Việc lựa chọn đúng, trúng vấn đề, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn với tinh thần dân chủ, công khai, hoạt động chất vấn đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy nhà nước và người đứng đầu ngành, cơ quan nhà nước.
Qua đó, các đại biểu Quốc hội đánh giá được kết quả thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn với các quyền hạn được giao, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những người tham gia trả lời và giải trình đã thẳng thắn thừa nhận các hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong lĩnh vực mà mình phụ trách; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm và đã đưa ra được nhiều giải pháp cùng những cam kết rõ ràng trong việc chỉ đạo xử lý, giải quyết khắc phục những hạn chế trong thời gian tới. Tuy nhiên, cử tri và đại biểu Quốc hội cho rằng, nhận trách nhiệm là chưa đủ, nghĩa là cần quyết liệt triển khai, những lời hứa và phần trả lời thuyết phục cần được tiến hành giải quyết ngay sau khi kỳ họp kết thúc, đi vào thực chất và bảo đảm khả thi.
Quang cảnh Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV |
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã xin ý kiến và thông báo các nội dung chất vấn cũng như các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn từ sớm. Điều này tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội về nội dung cũng như phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp. Việc lựa chọn các vấn đề cũng như thông báo các nội dung để các vị bộ trưởng, trưởng ngành chuẩn bị đăng đàn trong kỳ họp này từ sớm giúp đại biểu Quốc hội có thời gian cũng như lựa chọn những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm để chất vấn.
Do vậy, kỳ họp tới các đại biểu cũng mong muốn Quốc hội tiếp tục phát huy sự đổi mới này, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phiên chất vấn.
Tuy đã có rất nhiều câu hỏi nóng đặt ra tại 2,5 ngày chất vấn, song nhiều đại biểu Quốc hội còn tỏ ra tiếc nuối vì thời gian chất vấn có hạn, trong khi số lượng đại biểu muốn chất vấn còn khá nhiều. Trong đó, nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm chưa được giải đáp hoặc giải đáp một phần chưa thỏa đáng. Phần trả lời chất vấn của một số bộ trưởng, ở một vài câu hỏi tiến độ còn chậm, khiến phần trả lời chất vấn của bộ trưởng trước các câu hỏi của các đại biểu còn ít.
Do vậy, đại biểu Quốc hội mong muốn phần đăng đàn của các bộ trưởng trong kỳ họp tới cần đẩy nhanh tiến độ, bám sát câu hỏi, đi thẳng vào giải quyết vấn đề đại biểu nêu để có thể trả lời được nhiều hơn nữa câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đặt ra, giải đáp nhiều hơn nữa những vấn đề nhân dân, cử tri cả nước quan tâm.
Ngày càng có nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động nghị trường. Không khí tranh luận sôi nổi tại phiên chất vấn, cho thấy sự quyết liệt của các đại biểu Quốc hội, nhằm đi đến cùng vấn đề mà dư luận, cử tri quan tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước sự “gửi gắm” tâm nguyện của cử tri; đồng thời, công tâm đối với từng nội dung được đề cập trước Quốc hội.
Từ sự trao đổi thẳng thắn, với lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, việc tranh luận tại phiên chất vấn cũng giúp các bộ trưởng, trưởng ngành nhận diện rõ hơn những vấn đề còn bất cập, có các quyết sách phù hợp hơn trong điều hành, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Thông qua những tranh luận này, nhiều vấn đề được sáng tỏ, tường minh. Đây là bước tiến đáng kể, chuyển dần từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, khiến cử tri cả nước hào hứng, đón chờ ngày càng đông đảo hơn trước mỗi phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Qua đó, cử tri và nhân dân cả nước có nhiều cơ hội để tăng cường công tác giám sát trách nhiệm của bộ trưởng trong công tác quản lý nhà nước trên toàn lãnh thổ, chứ không chỉ trên một địa bàn, địa phương.
Không khí tranh luận sôi nổi tại phiên chất vấn, cho thấy sự quyết liệt của các đại biểu Quốc hội, nhằm đi đến cùng vấn đề mà dư luận, cử tri quan tâm.
Tại kỳ họp tới, cử tri cả nước mong muốn ngày càng có nhiều đại biểu Quốc hội nói lên được tiếng nói của họ tại diễn đàn Quốc hội về những vấn đề nóng trong xã hội. Trong phần trả lời câu hỏi chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành ngày càng trực diện hơn nữa, trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào nội dung trọng tâm mà các đại biểu Quốc hội nêu. Cử tri cũng đòi hỏi kỹ năng phát biểu trình bày, trả lời tranh luận các vấn đề trên nghị trường của đại biểu Quốc hội cần được nâng tầm, đổi mới mạnh hơn nữa. Chuyển từ đọc văn bản sang trình bày, cao hơn là hùng biện, phải là kỹ năng của đại biểu dân cử.
Đại biểu Quốc hội cũng mong muốn, các bộ trưởng, trưởng ngành thẳng thắn chia sẻ các hạn chế, khó khăn, để các đại biểu Quốc hội cùng người dân có thể hiểu, chia sẻ và chung tay tháo gỡ. Bởi, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, chồng chéo, đan xen, không thể một bộ, ngành riêng lẻ có thể tự xử lý, giải quyết. Do đó, ngoài vấn đề của bộ, ngành được chất vấn, các đại biểu Quốc hội mong muốn có thêm nhiều phần giải trình của các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan.
Thành công của một kỳ chất vấn sẽ toàn diện hơn nếu trong thời gian sớm nhất, những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ sớm được triển khai, đi vào đời sống.