Sáng tạo trước hết phải chinh phục được chính mình...

Chúng tôi đến gặp Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng (trong ảnh) vào một chiều thu Hà Nội. Vẫn với phong cách có phần lãng tử cùng mái tóc dài buộc gọn, giày thể thao, áo sơ-mi thụng..., anh say sưa kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề của người nghệ sĩ đã tròn 30 năm miệt mài trên hành trình thiết kế mỹ thuật sân khấu.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng tạo trước hết phải chinh phục được chính mình...

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Doãn Bằng sinh năm 1969 trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Là con trai cả của cặp vợ chồng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Doãn Châu - họa sĩ thiết kế sân khấu nức tiếng cả nước và NSƯT Bích Thu - diễn viên tài danh của làng kịch nghệ nước nhà, tình yêu sân khấu trong Doãn Bằng như một lẽ tự nhiên. Nhà ở khu tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam, anh có dịp được tiếp xúc, lắng nghe những câu chuyện của nhiều “lão làng” sân khấu và các bạn nghề của bố mẹ, như: NSND Đình Quang, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Trọng Khôi, NSƯT Hà Văn Trọng, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ... Lại thường xuyên được xem diễn, lớn lên bên cánh gà sân khấu nên những sắc màu, thanh âm sân khấu cứ thế bám quyện trong suốt quá trình trưởng thành của anh.

Những năm tháng ấu thơ, bố mẹ thường xuyên đi công tác xa, bên cạnh môi trường sân khấu, Doãn Bằng còn được bố cho làm bạn với bút màu, giấy vẽ. Vì thế sau này, khi đứng trước hai lựa chọn trở thành diễn viên hay họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, anh đã quyết định theo con đường của cha, dù trước đó từng tham gia diễn xuất. Năm 12 tuổi, anh được gia đình định hướng theo học vẽ thầy Phạm Viết Song, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ. Năm 1988, anh thi vào Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, theo học chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật sân khấu. Tốt nghiệp năm 1993 với bài tốt nghiệp xuất sắc, Doãn Bằng không vội ghi danh vào đơn vị nghệ thuật nào. Anh dành 5 năm làm việc tự do, tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam năm 1998, và tiếp đó là Nhà hát Tuổi trẻ năm 2013 cho đến nay.

Là một trong số ít các họa sĩ dám dũng cảm chọn ngách hẹp và khó là thiết kế mỹ thuật sân khấu, Doãn Bằng đã ghi dấu ấn với hơn 300 vở diễn ở nhiều loại hình: kịch nói, cải lương, chèo, tuồng, rối... Anh chia sẻ, trên hành trình ấy, anh không thể quên hai người thầy đã tạo ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy sáng tạo của anh. Đó là họa sĩ Bùi Tuấn Thanh - người anh theo học từ những năm cuối đại học tới nhiều năm sau ra trường, hướng dẫn anh cách tư duy, biểu đạt của hội họa. Người thứ hai là nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả của nhiều kịch bản sân khấu có tiếng vang, đã dạy anh nhiều kiến thức về triết học phương Đông, về cách tiếp cận, chắt lọc những luồng tư tưởng trong xã hội để đưa vào tác phẩm…

Từ những thiết kế sân khấu của họa sĩ Doãn Bằng, không khó để nhận ra sự kết hợp đặc biệt và khác biệt giữa yếu tố ước lệ và tả thực. Một phần vì được thừa hưởng từ nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, phần khác bởi anh có cơ hội được tiếp cận, học tập từ những cái nôi sân khấu hàng đầu thế giới. Năm 2002, sau dự án hợp tác sân khấu Việt Nam-Mỹ, với năng lực sáng tạo và khả năng ngoại ngữ, Doãn Bằng được trao học bổng sang Mỹ tu nghiệp. Tại đây, anh được làm quen với những dạng thức sân khấu chưa từng có tại Việt Nam như sân khấu tròn (round stage), sân khấu 3/4 (thrust stage), hiểu hơn về đòi hỏi của khán giả hiện đại...

Bảy năm sau (năm 2009), sau dự án hợp tác giữa Viện Goethe và Nhà hát Kịch Việt Nam, họa sĩ Doãn Bằng lại được cử sang Berlin học tập, làm việc tại một trong những nhà hát lớn hàng đầu nước Đức - nhà hát Schaubuhne. Cũng chính tại đây, anh đã nắm bắt được “chìa khóa” để tiếp cận tác phẩm bằng ngôn ngữ thiết kế, để những biểu tượng sân khấu không chỉ dừng lại ở hình thức thẩm mỹ thuần túy mà còn tạo ra sự kịch tính, sự phản biện khiến người xem trăn trở.

Luôn khao khát học tập những điều mới mẻ và cũng do cơ duyên, năm 2014, anh tiếp tục được đến với Nhật Bản. Và tại đây, môi trường sân khấu đỉnh cao của nước bạn lại giúp anh có thêm những bài học quý về cách nội địa hóa những trào lưu du nhập vào đất nước. Chính sự va đập với nhiều nền văn hóa, nhiều cách làm sân khấu hiện đại trên thế giới, cộng hưởng với những kiến thức được lĩnh hội bài bản từ gia đình, nhà trường, môi trường sống... đã góp phần làm nên phong cách thiết kế mang bản sắc riêng vừa hiện đại, vừa truyền thống của họa sĩ Doãn Bằng.

Có thời gian, thiết kế mỹ thuật sân khấu chỉ được coi như công cụ trang trí, minh họa cho vở diễn chứ chưa được nhìn nhận như một thành tố sáng tạo. Họa sĩ Doãn Bằng muốn phá vỡ quan niệm đó. Bởi vậy, anh luôn khắt khe với những sáng tạo của chính mình. Anh cho rằng, thiết kế sân khấu muốn gây ấn tượng với công chúng trước hết phải chinh phục được chính người sáng tạo. Không ít lần đã hoàn thiện thiết kế, nhưng lại bật ra ý tưởng mới, anh liền thức ngày thức đêm làm lại.

Với anh, thiết kế sân khấu không những phải mang lại vẻ đẹp hình thức cho vở diễn mà còn cần góp phần tuyên ngôn cho tư tưởng của tác phẩm. Vì thế, bên cạnh năng lực hội họa, kỹ thuật trang trí, người họa sĩ còn cần có ý thức, sự am hiểu sâu sắc về sân khấu để những biểu tượng thiết kế có thể tương tác được với những thành tố của vở diễn, mang đến chất xúc tác cho sáng tạo của đạo diễn và tạo được những “sân chơi” hợp lý giúp diễn viên thoải mái tung tẩy, thăng hoa trên sân khấu.

Doãn Bằng coi mỗi vở diễn như cái cớ, như cơ hội để tìm kiếm lời giải thỏa mãn những khao khát nghệ thuật của chính mình, cho nên mỗi lần đứng trước kịch bản sân khấu tựa như đứng trước hành trình tìm đến chân trời mới. Đó là lý do dù đã tham gia sáng tạo hàng trăm vở diễn, nhưng chưa vở nào của anh bị lặp lại về thiết kế.

Ngay với cùng một kịch bản được lựa chọn dàn dựng nhiều lần, anh cũng không chấp nhận giẫm lên dấu chân của chính mình. Chẳng hạn, cùng dựng theo kịch bản “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của tác giả Lưu Quang Vũ, nhưng nếu phiên bản kịch năm 1998, anh biểu đạt hành trình đi tìm hoa cúc xanh bằng hệ thống các bậc thang hạ dần theo từng lớp diễn, tương ứng từng lớp mờ ở phông hậu bị xé bỏ, dần hé lộ hình ảnh chân thực, sắc nét về hoa cúc xanh; thì ở phiên bản kịch năm 2018, anh lại dùng hình ảnh những bông cúc xanh treo trong hộp mica kín trong suốt để tạo nên ám ảnh về nỗi đau khi lòng tốt bị cất trong viện bảo tàng...

Từ những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, họa sĩ Doãn Bằng đã nổi lên như một “hiện tượng” của giới mỹ thuật sân khấu Việt Nam, với hàng loạt vở diễn mang theo sự thể nghiệm độc đáo về chất liệu và không gian thiết kế.

Tiêu biểu như vở kịch “Tai biến” gây bất ngờ bởi hình ảnh những mạch máu đỏ chằng chịt biến đổi màu sắc trên sân khấu; kịch “Romeo và Juliet” gây ám ảnh với la liệt đao, kiếm, rìu trong không gian diễn, đặt ra câu hỏi liệu tình yêu có thể tồn tại trong một xã hội bạo lực hay không; kịch “Người tốt nhà số 5” tạo ấn tượng với chi chít dây thừng, màng bọc thực phẩm… như những ẩn dụ đáng suy ngẫm về từng gia đình với câu chuyện riêng tư sau các bức tường; vở cải lương “Ngạ quỷ” lại mang tới hình ảnh bánh xe luân hồi trên sân khấu có thể mở, đóng linh hoạt theo từng cảnh diễn...

Họa sĩ Doãn Bằng là thế, với anh, mọi thứ chung quanh đều có thể trở thành chất liệu trong thiết kế sân khấu, vấn đề là người nghệ sĩ có đủ khả năng tư duy sáng tạo và sự táo bạo để thổi hồn vào đó hay không...

Họa sĩ Doãn Bằng (tên đầy đủ là Đỗ Doãn Bằng) là một trong những họa sĩ thiết kế mỹ thuật đắt sô hàng đầu của sân khấu Việt. Anh hiện đang là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Anh được giới nghề và công chúng ghi nhận với hàng loạt vở diễn đã đạt Huy chương vàng các cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp, như: “Thuyền lá” (năm 1996); “Những quân bài định mệnh” (2000); “Mùa hạ cay đắng” (2012); “Tai biến” (2015); “Người tốt nhà số 5” (2020); “Đường chân trời” (2021); “Người trong cõi nhớ” (2022)… Năm 2013, anh được trao Giải thưởng Họa sĩ thiết kế xuất sắc năm 2012 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Anh cũng được trao Giải Họa sĩ thiết kế xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020… Với những cống hiến cho mỹ thuật sân khấu, họa sĩ Doãn Bằng được phong tặng danh hiệu NSƯT vào tháng 1/2016.