Không ít người cho rằng, ở đâu cũng vẫn chỉ là sông nước, miệt vườn, cầu khỉ, sinh thái... thì chỉ cần đến một địa phương, chứ đâu cần phải qua nhiều tỉnh, thành phố. Nét khác biệt, có chăng chỉ ở mũi Cà Mau, nhà công tử Bạc Liêu hay chùa Dơi (Sóc Trăng). Những nơi này cũng chỉ đi một lần cho biết, là đủ. Cái “na ná” đó cũng khiến không ít công ty du lịch, lữ hành khó khăn trong tổ chức tour, tuyến để mang đến sự mới lạ cho du khách.
Mới đây, tôi có dịp tham quan một số nơi, một vài địa điểm du lịch “sinh sau đẻ muộn” như “Vườn tre Tư Sang” (Hậu Giang); “Căn nhà màu tím”, “Bảo tàng cá” Bảy Bon (Cần Thơ)... là những nơi thay vì tận dụng diện tích đất bao la để khai thác theo kiểu sông nước, miệt vườn thì đã có sự sáng tạo, mới lạ trong cách làm du lịch nhưng vẫn giữ được hồn cốt của người dân Tây Nam Bộ. “Vườn tre Tư Sang” thay vì vườn cây trái, thì trồng những cây tre để khách thưởng ngoạn. “Căn nhà màu tím” đúng như tên gọi với tông màu tím rịm chủ đạo, nhưng len lỏi đâu đó là các công trình bảo tàng lưu giữ các món đồ miền Tây Nam Bộ xưa, hay không gian được thiết kế đẹp mắt, dành riêng cho du khách chụp ảnh... Một điều có thể nhận thấy là những điểm đến này gần như lúc nào cũng nườm nượp du khách.
Các công ty du lịch nhanh chóng hợp tác với những điểm đến này để đưa vào chương trình tour, tuyến nhằm tạo sự mới mẻ. Tại “Bảo tàng cá” Bảy Bon, nơi đặt lồng bè nuôi hàng chục loại cá quý hiếm của miền Tây, ông chủ cho biết, thu nhập đều đặn hằng tháng có thể lên đến hơn 100 triệu đồng. Tại “Căn nhà màu tím”, giá vé 60.000 đồng/lượt, với hàng trăm lượt khách mỗi ngày, thu nhập mang đến chắc chắn cũng không ít...
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, các sản phẩm du lịch miền Tây Nam Bộ trước nay vẫn trùng lặp, ít sáng tạo, thiếu sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương.
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, các sản phẩm du lịch miền Tây Nam Bộ trước nay vẫn trùng lặp, ít sáng tạo, thiếu sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương. Người dân tận dụng nhiều vào lợi thế cảnh quan sông nước, miệt vườn, các món ăn đa dạng, sự hiếu khách để thu hút du khách. Các địa phương thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển, khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch... Những yếu tố này dẫn đến việc phát triển du lịch lâu dài, bền vững là điều không dễ. Vì vậy, để ngành “công nghiệp không khói” Đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất cần tạo được sản phẩm du lịch chất lượng, bền vững và giàu tính sáng tạo, không chỉ trong sản phẩm mà còn cả việc khai thác tiềm năng.
Đời sống phát triển, du khách ngày càng đòi hỏi cao hơn về nội dung trong hành trình chứ không chỉ là cảnh đẹp, di tích lịch sử... ở điểm đến. Vì vậy, tận dụng các di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng là cần thiết, nhưng việc có thêm những địa điểm sáng tạo là điều không thể bỏ qua.
Các địa phương cần liên kết lại để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, công ty du lịch để phân tích, tìm ra giá trị văn hóa khác biệt để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp từng địa phương, từng điểm du lịch khác nhau.
Để có thể xây dựng được sản phẩm du lịch sáng tạo rất cần sự quán triệt nhận thức chung về đổi mới sáng tạo trong toàn ngành, từ Trung ương tới địa phương. Qua đó, nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại, đưa các ý tưởng sáng tạo vào quá trình xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa...