Sáng tạo trong giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh

Ngày 6/1, Quận ủy Đống Đa tổ chức hội nghị tập huấn giảng dạy "Tập bài giảng lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống quận Đống Đa" cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn quận.

Tập bài giảng gồm chín bài và sáu chuyên đề bổ trợ; được biên soạn bảo đảm tính khách quan, khoa học, cập nhật các nội dung giáo dục địa phương được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019; đề cập một cách khái quát về tiến trình, lịch sử, truyền thống văn hóa, cách mạng, những nội dung tiêu biểu về vùng đất, con người Đống Đa, được xây dựng giáo án điện tử và số hóa các bài giảng theo từng cấp học tương ứng, phù hợp trình độ nhận thức của học sinh...

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các hoạt động giáo dục địa phương căn cứ theo đặc thù văn hóa, lịch sử nơi nhà trường hoạt động. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, giáo viên còn tổ chức các giờ học ngoại khóa tại các di tích trên địa bàn nhằm giúp học sinh thêm hứng thú trong học tập.

Vào dịp Hội thề Trung hiếu tại đền Ðồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Tây Hồ tổ chức chuyên đề giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho các em học sinh Trường tiểu học Ðông Thái (phường Bưởi, quận Tây Hồ) tại đền Đồng Cổ.

Các trường học tiểu học, trung học cơ sở ở quận Ba Đình tổ chức cho học sinh tham quan di tích hồ Hữu Tiệp, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Chiến thắng B-52... nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không".

Các trường học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tổ chức cho học sinh đến tham quan, học tập, tìm hiểu Cụm di tích đình-đền-chùa Hai Bà Trưng. Sau các cuộc ngoại khóa, các trường tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh, thi tìm hiểu lịch sử về các di tích, danh nhân được đặt tên đường phố trên địa bàn.

Hầu hết học sinh sau khi tham gia các tiết học giáo dục địa phương ngoại khóa, hoặc hoạt động tập thể đều cho biết, các em nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử của quận, huyện mình sinh sống, tự hào và biết ơn các bậc tiền nhân đã xây dựng, bồi đắp để đất nước có cơ đồ như ngày hôm nay.

Mặt khác, việc tổ chức môn giáo dục địa phương theo các hình thức nêu trên cũng làm cho việc truyền tải kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân trở nên gần gũi, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Đây là những cách làm rất sáng tạo cần nhân rộng ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Thủ đô, để nội dung giáo dục địa phương đạt kết quả tích cực, đúng như mục tiêu của chương trình, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho các công dân tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.