Sáng tạo thời trang từ văn hóa truyền thống

Lấy cảm hứng và ý tưởng sáng tạo từ văn hóa bản địa, các nhà thiết kế trong nước đang gìn giữ và quảng bá vẻ đẹp đặc sắc của văn hóa truyền thống dân gian qua sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn bộ sưu tập "Ký gửi người H'Mông vào tương lai". (Ảnh VŨ VIỆT HÀ)
Trình diễn bộ sưu tập "Ký gửi người H'Mông vào tương lai". (Ảnh VŨ VIỆT HÀ)

Ghi dấu ấn với bộ sưu tập “Ký gửi người H’Mông vào tương lai” tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Ðông 2022, nhà thiết kế Vũ Việt Hà (Hà Nội) để lại nhiều ấn tượng đối với những người yêu thích thời trang. Hơn 30 thiết kế được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp văn hóa vùng cao, nhất là trang phục thổ cẩm của dân tộc thiểu số H’Mông tại Sa Pa (Lào Cai), cùng sự kết hợp giữa vải lanh và sợi len, sự đơn giản của phom dáng và cấu trúc của trang phục, Vũ Việt Hà đã mang luồng gió mới cho những thiết kế hiện đại lấy ý tưởng từ trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua tư duy sáng tạo và ngôn ngữ thiết kế riêng, dấu ấn, hơi thở, tinh thần văn hóa dân tộc vùng cao được anh truyền tải thông qua chất liệu vải lanh nhuộm chàm, họa tiết và kỹ thuật khâu thủ công.

Hơn 20 năm trước, lần đầu đặt chân đến Sa Pa, Hà đã bị cuốn hút bởi những bộ váy áo nhuộm chàm, vẽ sáp ong của đồng bào dân tộc mặc trong những ngày xuân mới. Trong cuộc sống hiện đại, người H’Mông vẫn giữ được các nét đẹp truyền thống và bản sắc dân tộc trong phong tục tập quán và trang phục. Ðồng bào vẫn tự tay tước lanh và nhuộm chàm.

Lựa chọn khai thác di sản và nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, ở bộ sưu tập “Ký gửi người H’Mông vào tương lai”, Vũ Việt Hà đã sử dụng chất liệu len là xu hướng mùa thu đông, kết hợp vải lanh nhuộm chàm, hoa văn, họa tiết tạo nên những bộ trang phục mang hơi thở hiện đại. Ðiểm nhấn độc đáo là anh đã ứng dụng kỹ thuật khâu tay tỉ mỉ của người H’Mông trong ráp nối hơn 200 thước khăn len, tạo hiệu ứng con len nhún nhảy qua từng bước đi.

Văn hóa và con người vùng cao phía bắc qua bộ sưu tập này mang hình ảnh mới mẻ, phóng khoáng và hiện đại. Không chỉ là những thiết kế thời trang, “Ký gửi người H’Mông vào tương lai” còn là những trải nghiệm, suy nghĩ thực tế của Vũ Việt Hà về xu hướng khai thác các yếu tố văn hóa, chất liệu bản địa trong ngành công nghiệp thời trang.

Bên cạnh công việc thiết kế thời trang, Vũ Việt Hà đang là giảng viên Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, hằng năm, anh đều đưa học sinh, sinh viên lên vùng cao phía bắc thực tập, có tháng lên hai đến ba lần để lấy nguyên liệu, cho nên Vũ Việt Hà am hiểu phong tục và cuộc sống của người dân vùng cao.

Anh chia sẻ: “Ðã có những thời điểm, tôi ở trên các bản làng nhiều hơn ở nhà. Tôi ăn ở và sinh hoạt cùng bà con. Có bộ sưu tập tôi làm trong hai năm rưỡi, chỉ có năm cái áo nhưng chúng tôi ở trên Quản Bạ gần ba tháng. Chiếc áo này được làm từ chất liệu vải của người H’Mông, phóng tác từ trang phục triều Nguyễn. Sau đó hơn hai năm tiếp theo, những người thợ ở Thường Tín-Hà Nội hoàn thiện công đoạn thêu tay thủ công các họa tiết”.

Nghiên cứu am hiểu về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc vùng cao như Hà Giang cho nên các thiết kế của Vũ Việt Hà luôn có sự pha trộn giữa văn hóa vùng cao và hơi thở hiện đại. Anh đam mê và yêu thích sử dụng các kỹ thuật, chất liệu, phom dáng mang yếu tố bản địa. Cũng từ vỏ cây gai, Vũ Việt Hà đang hoàn thiện cho ra mắt bộ sưu tập lấy ý tưởng từ hoa gạo trên vùng núi cao Hà Giang. 100% chất liệu từ vỏ cây gai chế biến thành sợi, nhuộm và vẽ sáp ong thủ công với họa tiết thêu tay sẽ được trình diễn trên cao nguyên đá, góp phần quảng bá hình ảnh và du lịch Hà Giang.

Không chỉ tìm tòi sự kết hợp độc đáo giữa chất liệu, ý tưởng cùng xu hướng của thế giới để sáng tạo những bộ sưu tập mang hơi thở của nhịp sống hiện đại và dấu ấn văn hóa bản địa, Vũ Việt Hà rất thận trọng trong vận dụng, khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống. Chia sẻ về những trải nghiệm, góc nhìn thực tế trong hành trình 19 năm làm nghề, từ việc tìm kiếm ý tưởng, nghiên cứu văn hóa cho tới hoàn thiện sản phẩm, cũng như các nhà thiết kế đã và đang khai thác kho tàng di sản văn hóa, anh luôn đắn đo, suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi nhà thiết kế trong khai thác, sáng tạo từ văn hóa bản địa.

Là di sản chung, nhưng người làm thiết kế cần phải nghiên cứu rất kỹ các yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố lịch sử, tìm hiểu điều gì là cấm kỵ, điều gì nên khai thác và phát triển ở thời trang. Tại lễ hội văn hóa thổ cẩm tổ chức tại Ðắk Nông, bộ sưu tập “Thánh Gióng” lấy cảm hứng từ những tác phẩm về Thánh Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được Vũ Việt Hà thận trọng chuyển tải hình ảnh và tinh thần lên những trang phục hiện đại, vừa tôn lên vẻ đẹp của thổ cẩm và lan tỏa được tinh thần dân tộc qua bộ sưu tập áo dài đặc sắc và độc đáo này.

Yêu thích các chất liệu truyền thống, Vũ Việt Hà đã ứng dụng các chất liệu tự nhiên như tơ sen, tơ chuối, sợi gai, sợi bông, sợi lanh, lụa tơ tằm... trong các thiết kế của mình.

Phát triển các giá trị truyền thống qua thời trang ngày càng được các nhà thiết kế quan tâm, khai thác. Các nhà thiết kế Cường Ðàm, Thủy Nguyễn, Ngọc Hân... đang ứng dụng mạnh mẽ các yếu tố văn hóa bản địa vào các thiết kế, tạo nên những phong cách thời trang đặc sắc. Từ ý tưởng, nghiên cứu xu hướng, phom dáng, chất liệu, sự pha trộn mầu sắc, mỗi công đoạn là một mắt xích xâu chuỗi tiến trình lao động sáng tạo nghiêm túc của các nhà thiết kế, để từ đó, những câu chuyện về di sản, về văn hóa bản địa theo ngôn ngữ thiết kế đến được với công chúng, vô cùng đa dạng, đầy sống động.