Thanh Hóa tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nâng cao giá trị đi đôi với giữ vững chốt an ninh lương thực; phát triển toàn diện việc khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt đạt gần 20 nghìn ha, doanh thu 2,5-3 tỷ đồng, lợi nhuận 300-700 triệu đồng/ha/năm. Năm 2024, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt gần 210 nghìn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ.
Thanh Hóa chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục thiên tai; quyết liệt lãnh đạo, điều hành thực thi các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp; đẩy mạnh xây dựng huyện, xã, thôn, bản nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm. Lũy kế toàn tỉnh có 15 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 377 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện, 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 548 sản phẩm OCOP.
P |
Người tiêu dùng lựa chọn nông sản sạch, an toàn. |
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thể chế, pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng; chỉ đạo chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong mùa cao điểm; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án giao thông, công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, trật tự xây dựng, thị trường bất động sản; chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định các quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng chi tiết; chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh kỳ họp lần thứ thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa 18. |
Năm vừa qua, có thêm quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội, công viên nước ở thành phố Sầm Sơn, đưa dự án thành phần Khu du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng Plamingo Linh Trường vào vận hành, khai thác.
Thanh Hóa tổ chức chuỗi lễ hội du lịch biển, 145 sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch trong năm, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng mở rộng phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; tăng cường quản lý nhà nước về giá, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, thương mại điện tử, thanh toán điện tử; ban hành giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung-cầu tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn.
Khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Thanh Hóa
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thành lập năm Tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 tại các địa phương, đơn vị; tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu, quản lý tạm ứng vốn đầu tư, chỉ đạo chấn chỉnh công tác lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công, công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, đẩy nhanh quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước; tăng cường các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu, gian lận thuế; thực thi các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất; chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách thuế; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các công ty lâm nghiệp; chỉ đạo xây dựng và phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024; tăng cường quản lý hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản…
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, giải trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. |
Trách nhiệm, nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên tất cả các lĩnh vực nên năm 2024 Thanh Hóa hoàn thành và vượt kế hoạch 23 chỉ tiêu chủ yếu Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh; dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 197,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3%, doanh thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38% so cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 54.341 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; thu hút đầu tư gấp 1,4 lần về số dự án và 10,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa luôn trong nhóm đầu cả nước; giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch, góp phần hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đúng tiến độ.
Chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì nhóm dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định.
Trạm biến áp 500kV ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Theo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa 19, giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân ước đạt gần 10%; trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng bình quân 4,05%, sản xuất công nghiệp tăng 16,45%, dịch vụ tăng 8,04%.
Thu ngân sách nhà nước đạt tốc độ tăng bình quân 13,9%, kết quả thu hàng năm luôn vượt dự toán. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 548,8 nghìn tỷ đồng, đã thu hút được 256 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 45,9 nghìn tỷ đồng và 463,7 triệu USD.
Hoạt động đầu tư công được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, giá trị giải ngân bình quân hàng năm ước đạt 92%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Thanh Hóa đang thực hiện sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các xã, phường, thị trấn, giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức trong hệ thống chính trị, giảm 25 phòng, chi cục và tương đương của các sở, ngành, cơ quan ngang sở, giảm 27 phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, 48 đơn vị sự nghiệp công lập.
Công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được triển khai thận trọng, đảm bảo quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước; bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương được quan tâm thực hiện, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ…
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại kỳ họp lần thứ 24. |
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bứt phá, về đích, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên nhấn mạnh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các luật mới ban hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản...
Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, quyết liệt tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án sản xuất kinh doanh, các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, dịch vụ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai đầu tư, sớm đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu mới cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các dự án mới, như: điện khí LNG Nghi Sơn, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology 2, Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa, Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam-Ấn Độ.
Đoàn chủ tọa điều hành kỳ họp. |
Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 trình cấp có thẩm quyền, trong đó quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí, sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm để khởi công mới những công trình, dự án quan trọng, có tính liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của khu vực liên huyện; không phân bổ vốn dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, không để thất thoát, lãng phí.
Năm 2025, tạm dừng bố trí vốn từ ngân sách để đầu tư, sửa chữa trụ sở các cơ quan thuộc diện sáp nhập, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, cần rà soát, đề xuất tiếp tục bố trí vốn đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu khác, công trình trọng điểm đã đầu tư nhưng còn dang dở hoặc đang dừng ở giai đoạn 1 tiếp tục được bố trí vốn thi công, đưa công trình vào khai thác, tránh lãng phí.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; sản xuất sạch, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Năm 2025, ngành nông nghiệp cần tham mưu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, xác định rõ quy mô diện tích, số lượng của từng loại hình sản xuất để chỉ đạo; đồng thời đề xuất cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh; sớm nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong tự chủ tài chính cho các bệnh viện công lập tại 11 huyện miền núi, nhất là các huyện miền núi cao, tạo điều kiện cho các bệnh viện duy trì hoạt động, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc.
Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa biểu quyết, thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp lần thứ 24. |
Tập trung cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Quá trình sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy phải tập trung chỉ đạo giải quyết thông suốt các nhiệm vụ, không để gián đoạn công việc, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi và giải quyết công việc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết khắc phục bằng được tình trạng nói mà không làm, nói xong để đấy; xóa bỏ tư tưởng dễ làm, khó bỏ, khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh, vòng vo trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.