Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng cuối năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hóa-văn nghệ cả nước được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; bảo đảm nội dung tư tưởng với chất lượng chuyên môn tốt, đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh; các hoạt động bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, thiết thực cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong tình hình mới.
Sau đại hội, bên cạnh việc củng cố tổ chức, ổn định nhân sự, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã chủ động làm tốt công tác học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác văn hóa, văn nghệ; xây dựng, ban hành nhiều đề án, kế hoạch, chương trình, các hoạt động nhằm phát triển đội ngũ.
Hoạt động của các hội từng bước nâng cao chất lượng, đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện, dần đi vào nền nếp, thể hiện được sức sống mới. Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, bước đầu tạo được môi trường hoạt động lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Văn nghệ sĩ được bảo đảm tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền sáng tác, biểu diễn.
Ngoài kinh phí cấp thường xuyên, chính phủ bảo đảm kinh phí hỗ trợ sáng tạo và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành nhiều thời gian gặp gỡ, quan tâm, lắng nghe và có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn có một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống tiếp tục đứng trước nhiều thách thức; nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một; thiếu vắng những tác phẩm lớn; hiện tượng thông tin ồn ào về đời tư, góc khuất của văn nghệ sĩ tác động tiêu cực tới nhận thức, thẩm mỹ của công chúng….
Đặc biệt, việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật vẫn chậm, chưa thu hút được đông đảo văn nghệ sĩ tham gia, nhất là văn nghệ sĩ trẻ.
Việc tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và phối hợp thông tin, hoạt động giữa các hội chưa được thường xuyên, liên tục.
Công tác giới thiệu, quảng bá văn học, nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới chưa mạnh, việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn nhiều hạn chế.
Đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe tham luận của đại diện Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Mỹ thuật, Hội Văn nghệ dân gian, Cục Nghệ thuật biểu diễn…; và tập trung trao đổi, thảo luận phương hướng hoạt động 6 tháng đầu năm 2022.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, đây là dịp để cơ quan chỉ đạo, quản lý và các hội hiểu, chia sẻ những vấn đề còn vướng mắc, đề xuất giải pháp giúp cho Đảng và Nhà nước sớm hoàn thiện các chính sách, tạo điều kiện cho các hội hoạt động ngày càng thuận lợi hơn; đồng thời các hội cũng nêu cao tinh thần tự lực, tự chủ, phát huy sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo hội viên tham gia tích cực các lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và các hoạt động chính trị-xã hội khác.
Về phương hướng và nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022, đồng chí lưu ý Đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các đơn vị liên quan cần nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.
Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương khẩn trương rà soát nội dung hoạt động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác toàn khóa, xây dựng chương trình công tác năm, từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.