Sáng mãi năm tháng hào hùng

NDO -

NDĐT - Những sáng tác mới nhất của các họa sĩ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trưng bày tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội cho thấy sức sống mãnh liệt của đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, dẫu cuộc chiến đã lùi xa quá nửa thế kỷ.

Sáng mãi năm tháng hào hùng

Không có nhiều thời gian chuẩn bị, chỉ sau sáu tháng phát động, 98 tác phẩm của 85 nghệ sĩ thuộc CLB Mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang, Chiến tranh cách mạng (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã hoàn thành, trong đó có 71 tác phẩm hội họa (sơn mài, sơn dầu, lụa); 17 tác phẩm đồ họa (tranh khắc, tranh cổ động); chín tác phẩm điêu khắc (phù điêu, tượng tròn). Điều đó chứng tỏ nguồn cảm hứng không hề vơi cạn với chiến thắng lẫy lừng của dân tộc và trách nhiệm công dân , trách nhiệm của người nghệ sĩ trước một đề tài lớn.

Một Điện Biên Phủ “ba mươi sáu ngày đêm…máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta hiển hiện sinh động qua nhiều sáng tác.

Sáng mãi năm tháng hào hùng ảnh 1

Hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những cán bộ chỉ huy mặt trận như ngọn lửa dẫn đường tỏa sáng, vừa uy nghi vời vợi, vừa gần gũi bình dị trong các tác phẩm: Bác Hồ chuẩn bị đến mặt trận Bắc Cạn (Sơn dầu của Đỗ Mạnh Cương), Trên đường chiến dịch (sơn mài của Trần Vũ Hoàng), Bác Hồ dừng chân bên suối (khắc gỗ của Nguyễn Nghĩa Duyện), Điện Biên Phủ (sơn dầu của Giang Khích), Phút quyết định (in trên giấy của Trịnh Bá Quát), Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (sơn dầu của Mai Duy Minh)…

Khung cảnh chiến trường hoành tráng với những trận chiến ác liệt, những đoàn bộ đội hành quân, kéo pháo, dân công tải đạn…sống động, chân thực trong Ký ức Điện Biên (sơn dầu của Đỗ Đức Khải), Đánh chắc tiến chắc (sơn dầu của Nguyễn Thế Hữu), Vào chiến dịch (sơn mài của Cao Ban Ban), Dân công tải lương ra chiến dịch Điện Biên (sơn dầu của Lê Tuyết Nhung)…

Tình cảm với lãnh tụ, tình cảm cha con, đồng đội, quân và dân, tình yêu nam nữ, những sinh hoạt đời thường làm dịu bớt sự khốc liệt của chiến tranh qua những nét vẽ, sắc màu tươi tắn, ấm áp và đường nét điêu khắc uyển chuyển của nhiều sáng tác như Người quân nhân số 1 bên cạnh Bác (sơn dầu của Đức Dụ), Tình dân Tây Bắc (acrylic của Lê Đức Biết), Cha con bộ đội Điện Biên (sơn dầu của Lê Thanh), Mối tình Điện Biên (tượng gỗ của Đỗ Bá Quang), Quân dân Việt – Lào mừng chiến thắng (tượng compusit của Nguyễn Bá Trạch)…

Hình ảnh các chiến sĩ nâng niu ôm ấp em bé trong Đứa con trung đoàn (acrylic của Lê Trí Dũng) hay say sưa đàn hát bên nữ văn công trong Khúc ca chiến hào (sơn dầu của Nguyễn Thọ Tường) giữa chiến trường đạn bom cho người xem niềm xúc cảm lớn lao, toát lên tinh thần nhân văn cao đẹp.

Một Điện Biên Phủ hôm nay trên con đường đổi mới và phát triển của đất nước cũng rạng rỡ sáng tươi trong các tác phẩm Điện Biên hôm nay (sơn mài của Nguyễn Đình An), Bên hầm Đờ Cát (bột màu của Nguyễn Thanh Hải), Mường Phăng thanh bình (acrylic của Trần Đức Thức), Bản Nậm Rốm hôm nay (sơn mài của Nguyễn Văn Doanh)…

Sáng mãi năm tháng hào hùng ảnh 2

Với cách tiếp cận đề tài, ngôn ngữ và bút pháp đa dạng, từ hiện thực đến biểu hiện, ấn tượng, đồng hiện…, các tác giả đã phản ánh sinh động, chân thực, truyền cảm khung cảnh đất nước và con người trong chiến tranh, làm tỏa sáng hình ảnh của một dân tộc anh hùng.

Triển lãm đã hội tụ được các thệ hệ tác giả, nhiều họa sĩ đã ở tuổi trên 80, có những tác giả từng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ như cố họa sĩ Dương Hướng Minh với hai tác phẩm sơn mài Kéo pháo ở Điện BiênChiến thắng Điện Biên Phủ; các họa sĩ Lê Lam với tác phẩm mực nho về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hoàng Công Luận với Điện Biên xây dựng (sơn dầu); Ngô Mạnh Lân với Huyền tích Đồi A1 (sơn dầu); Lê Huy Trấp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tranh cổ động) …

Đặc biệt, một trường hợp hết sức cảm động là họa sĩ Phạm Ngọc Liệu ở tuổi 80 đã cố gắng hoàn thành bức sơn dầu Từ Điện Biên đến Hà Nội trước lúc ra đi, với lời dặn lại gia đình và bè bạn mong muốn được gửi tác phẩm đến triển lãm này…

“Triển lãm là sự khẳng định rằng các thế hệ nghệ sĩ vẫn luôn ghi nhớ và tôn vinh chiến thắng lịch sử, tôn vinh những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân và cả máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa việc tổ chức và đầu tư sáng tác, nếu không sẽ vắng bóng các tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong đời sống xã hội và lịch sử mỹ thuật hiện đại nước nhà”. Họa sĩ Trịnh Bá Quát, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định.