“Sáng đèn”: Câu chuyện dung dị và ấm áp về nghệ thuật cải lương

NDO - “Sáng đèn” là một trong những bộ phim thương mại hiếm hoi lấy nghệ thuật cải lương làm đề tài thể hiện. Phim là câu chuyện dung dị về đời sống của những con người “Đã mang lấy kiếp con tằm, Không vương tơ nữa, cũng nằm trong tơ”, có niềm vui, có nỗi buồn, có hy vọng và tràn đầy tính nhân văn. Phim hiện đang được công chiếu tại các rạp trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim "Sáng đèn".
Cảnh trong phim "Sáng đèn".

“Sáng đèn” xoay quanh câu chuyện tìm cách vượt qua những gian khó của gánh cải lương rong Viễn Phương ở bối cảnh những năm 1990. Ông chủ của đoàn cải lương Viễn Phương là ông Bầu, thường được các thành viên trong đoàn thương mến gọi là Ba Bầu, bởi đây là gánh hát quy tụ những người tứ cố vô thân, người đang trên chặng đường đi tìm gia đình, những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những đứa trẻ bỏ nhà đi… Từ lâu, họ đều coi đoàn hát như gia đình, như mái ấm duy nhất của đời mình, và đều gắn bó với nghiệp hát.

Phim theo chân đoàn hát trong suốt hành trình rong ruổi khắp các bến thuyền, ăn nghỉ thì ở đình miếu đền chùa, lấy bãi sông, sân chùa làm nơi kéo màn biểu diễn. Đoàn hát cứ như thế gồng gánh nhau đi qua năm tháng, từ lúc khán giả kéo đến đông nghịt những đêm diễn, cho đến lúc mỗi đêm chỉ còn lèo tèo vài người. Cùng với những tích tuồng cổ sáng đèn mỗi đêm, cuộc đời mỗi người trong gánh cải lương Viễn Phương cũng dần được “kéo màn”, qua những câu chuyện riêng của họ…

Thế rồi, cùng với sự đi xuống nói chung của nghệ thuật truyền thống, đoàn cải lương Viễn Phương rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn khi vắng khách, ông bầu đổ nợ. Có những lúc, kép phải đi bốc vác thuê, đào phải đi đánh véc-ni để kiếm tiền trang trải qua ngày… Các kép, đào chính, phụ lại lần lượt gặp những biến cố không thể theo nghề, hoặc chạy theo những lời mời gọi hấp dẫn khác để tìm cuộc sống tốt hơn cho cá nhân mình. Thế nhưng, vẫn có những người của đoàn Viễn Phương, mặc dù bươn chải và va vấp nhiều chuyện, nhưng vẫn đau đáu hướng về cái nghề mà Tổ nghiệp đã trao cho mình, chờ đợi ngày trở lại với sân khấu.

“Sáng đèn”: Câu chuyện dung dị và ấm áp về nghệ thuật cải lương ảnh 1

Đoàn làm phim trong buổi chiếu ra mắt.

“Sáng đèn” quy tụ những cái tên quen thuộc. NSƯT Hữu Châu trong vai ông Ba Bầu đem đến nhiều cảm xúc nhất cho khán giả. Cái tình của một người nhiều năm gắn bó với sân khấu đã được NSƯT Hữu Châu gửi gắm hết vào vai Ba Bầu, từ chuyện đôn đáo đi lo từng buổi diễn cho đoàn, cho đến những nỗi niềm riêng của từng người và của chính mình. Từ bé gắn bó với sân khấu, NSƯT Hữu Châu từng rong ruổi theo bà nội mình là bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga đi lưu diễn khắp nơi. Dù gia đình có 4 đời làm bầu gánh hát, nhưng NSƯT Hữu Châu lại chưa từng đảm nhận vai trò này. Đây cũng là lý do ông nhận lời tham gia “Sáng đèn”, để được một lần làm “bầu” dù chỉ là trong phim.

Phim có sự tỏa sáng của diễn viên nhiều thế hệ. Ngoài NSƯT Hữu Châu, nhân vật ông thầy đờn Sơn do nghệ sĩ Chí Tâm thể hiện cũng đem lại sự xúc động cho khán giả. Trong hình ảnh một người chồng, người cha rong ruổi theo gánh hát đi tìm vợ con thất lạc đã lâu, nghệ sĩ Chí Tâm cho thấy một thầy đờn nhân hậu, hiền lành, chuyên giảng hòa những cuộc cãi vã, chữa lành cho những đau thương, dạy dỗ bọn trẻ từ cách hát, cách múa cho đến lối sống, cách xử sự trong đời, trong khi bản thân chịu rất nhiều thiệt thòi…

Đôi kép – đào chính Thanh Kim Yến và Vũ Lâm do hai diễn viên Lê Phương và Cao Minh Đạt thể hiện, cho thấy mối tình khắc khoải của một đôi nghệ sĩ trung niên, yêu thương nhau nhưng gặp những biến cố đến nỗi phải chia xa.

Cặp đào – kép trẻ Trúc Linh và Cảnh Thanh do Trúc Mây và Bạch Công Khanh thể hiện khá tròn vai, mô tả hai nghệ sĩ cùng hoàn cảnh là trẻ mồ côi, lớn lên cùng nhau, học hát, học diễn cùng nhau, và đem lòng yêu thương nhau nhưng chưa kịp nói ra thì có biến cố xảy đến. Bạch Công Khanh diễn rất tốt đoạn gặp lại người yêu sau 6 năm, cái nhìn vừa da diết vừa ân hận vô bờ vì đã không thể bảo vệ được người mình yêu năm đó.

“Sáng đèn”: Câu chuyện dung dị và ấm áp về nghệ thuật cải lương ảnh 2

Các diễn viên phim "Sáng đèn".

Cùng với tuyến nhân vật chính, các nhân vật phụ trong phim góp phần mang lại tiếng cười hài hước, vui nhộn ở nhiều cảnh phim. Tiêu Minh Phụng, Lê Trang, Tuấn Dũng, Lam Tuyền… không hề khô cứng mà đem lại cảm giác rất đời, rất thật từ những tâm sự miếng cơm manh áo cho đến đùa vui, pha trò hoặc gặp phải sự cố “muốn độn thổ”…

Phim còn có sự tham gia của NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long trong các vai phụ bà Tư Phượng chủ tiệm vàng và ông chủ trại hòm. NSND Hồng Vân với lối diễn tưng tửng, diễn mà như không diễn, lột tả một bà chủ tiệm vàng mê đắm kép chính Vũ Lâm, “đu idol” mọi nơi mọi lúc, sẵn sàng bao ăn cả đoàn, trả tiền khắc phục các sự cố mà đoàn gặp phải, chỉ để chiếm được người mình yêu thích. Nhưng bà chủ tiệm vàng cũng rất hiểu cho tình yêu nghề của Vũ Lâm, và cuối cùng đã đưa ước nguyện của anh thành hiện thực.

NSƯT Kim Tử Long tham gia với một vai diễn phụ nhưng hết sức gây ấn tượng trong phim. Anh vào vai một ông chủ trại hòm giàu có, vừa si tình vừa ngây ngô, nhưng cũng có cách cư xử hết sức dễ thương, đem lại tiếng cười cho khán giả. Có lẽ trước phim này, ít ai hình dung một nghệ sĩ cải lương “kép chánh” lại diễn hài điện ảnh “ngọt” như thế.

Khai thác đề tài nghệ thuật cải lương, nhưng “Sáng đèn” không đi sâu vào cái bi lụy của sự thoái trào nói chung của nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống trong những năm gần đây, mà đem đến những góc nhìn gần gũi, dung dị về cải lương. Có buồn, có bi, có những giọt nước mắt, nhưng vẫn có sự hài hước, tiếng cười sảng khoái, có sự hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Phim có những biến cố, có những mất mát đau thương, nhưng cách xử sự, cách sống của những nhân vật trong phim cho thấy con đường mà họ lựa chọn là con đường thẳng hướng về phía trước và đi theo ánh sáng từ trái tim mình.

Phim lấy bối cảnh miền Tây sông nước, cho nên có những cảnh quay hết sức đặc trưng, gần gũi và đem lại nhiều cảm xúc. Dòng sông với những đám lục bình trôi lững lờ, chiếc ghe chở khách rời bến trong ánh hoàng hôn đỏ rực, đám trẻ “xé rào” chui vào xem trộm gánh hát, người dân mang quà Tết tặng gánh hát đang tá túc tại chùa vì không có tiền về quê… Phim cũng ghi lại những hình ảnh chân phương, hồn hậu của khán giả tại những nơi gánh hát ghé vào, từ ánh mắt, nụ cười cho đến cảm xúc được thể hiện hết sức thật. Phim còn lồng ghép khéo léo những trích đoạn mang tính yêu nước, như “Dậy sóng Bạch Đằng Giang”…

Ở thời điểm đầu năm, “Sáng đèn” có thể coi là phim tốt nhất của điện ảnh Việt Nam ngoài rạp. Kịch bản phim chắc tay, câu chuyện có lớp lang, có thắt mở, các vấn đề đặt ra đều được giải quyết thấu đáo, mặc dù đôi chỗ còn có một số chi tiết chưa được hợp lý, cùng với dàn diễn viên thể hiện tốt, được đầu tư chỉn chu. Thật đáng tiếc khi “Sáng đèn” ra rạp vào đúng thời điểm có hàng loạt phim “bom tấn” công chiếu, cho nên chưa thu hút được sự chú ý của khán giả. Với những gì đã thể hiện, “Sáng đèn” xứng đáng có được vị trí tốt hơn hiện nay trên bảng doanh thu vé rạp.

"Sáng đèn" do đạo diễn Hoàng Tuấn Cường thực hiện. Phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gồm NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ cải lương Chí Tâm, Bạch Công Khanh, Trúc Mây, NSƯT Kim Tử Long, NSND Hồng Vân, Lê Phương, Tiêu Minh Phụng, Lê Trang, Tuấn Dũng, Lam Tuyền ...