Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tư.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào 7 giờ 15 phút, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào 8 giờ 00 phút, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến Chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Vào 9 giờ 00 phút sáng cùng ngày, Quốc hội họp Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong đó, có nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025. Đây cũng là những nội dung được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Theo lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đây là kỳ họp cuối năm, do đó theo thông lệ, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; bên cạnh đó, Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.
Mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với tinh thần cải tiến, đổi mới, sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nên thời gian kỳ họp lần này đã được rút ngắn còn 21 ngày làm việc, trong đó có 2 ngày thứ Bảy nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng (so với kỳ họp của những khóa Quốc hội trước thường có thời gian họp khoảng hơn 1 tháng).
Với tinh thần tích cực, chủ động, từ sớm, từ xa nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, ngay sau kỳ họp thứ ba, Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác chuẩn bị, tham mưu, phục vụ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động tổ chức các cuộc họp giao ban hằng tháng với lãnh đạo các vụ, đơn vị; tổ chức họp giao ban hằng tuần của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; tổ chức họp Ban Thư ký Quốc hội để chuẩn bị phục vụ hiệu quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Các đơn vị của Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tham mưu chuẩn bị nội dung kỳ họp và các điều kiện bảo đảm phục vụ kỳ họp.
Tại kỳ họp thứ tư, Trung tâm Báo chí được bố trí tại tầng B1, Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội. Thời gian mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút hằng ngày (trừ những ngày Quốc hội nghỉ). Trung tâm Báo chí được bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật; wifi, máy tính, máy in kết nối internet; lắp đặt đường truyền tín hiệu, hình ảnh, âm thanh từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội xuống tầng B1 bảo đảm phóng viên khai thác tin, hình thuận lợi.
Ngoài ra, phóng viên của một số cơ quan báo chí chủ lực được cấp thẻ tác nghiệp trong Hội trường Diên Hồng bảo đảm cung cấp hình, ảnh và cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Trang tin Trung tâm Báo chí và Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để các cơ quan báo chí khai thác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 7 dự án luật: Dầu khí (sửa đổi); Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Thanh tra (sửa đổi); Thực hiện dân chủ ở cơ sở; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Quốc hội xem xét, thông qua 3 dự thảo nghị quyết: ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời, xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật: Đất đai (sửa đổi); Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Đấu thầu (sửa đổi); Giá (sửa đổi); Giao dịch điện tử (sửa đổi); Hợp tác xã (sửa đổi); Phòng thủ dân sự.