Sản xuất sắn trên đất dốc

Sắn được xem là cây dễ trồng, không kén đất, vốn đầu tư ít, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế đồng bào vùng cao. Khu vực trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ là vùng có diện tích đất canh tác lớn, khí hậu phù hợp cho cây sắn sinh trưởng, phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Ðông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) chăm sóc cây sắn trồng trên đất dốc.
Nông dân xã Ðông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) chăm sóc cây sắn trồng trên đất dốc.

Ở nhiều địa phương, nông dân đã áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất sắn trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng đại trà.

Yên Bái là địa phương có diện tích trồng sắn khoảng 7.788 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên... Nhằm canh tác bền vững sắn trên đất dốc, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm hay giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Chị Hà Thị Tuyết, ở thôn Gốc Ða, xã Ðông Cuông, huyện Văn Yên chia sẻ: "Từ năm 2010, gia đình tôi mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác như sau khi thu hoạch sắn xong, thay vì dọn các thân, cành thành đống rồi đốt thì nay dùng làm đường băng theo đường đồng mức với khoảng cách từ 6-8m một băng trên nương sắn; bên dưới băng có đóng cọc để giữ, khoảng cách giữa các cọc khoảng một mét".

Theo chị Tuyết, cách làm này đã tiết kiệm công lao động, không phải mất chi phí mua giống cây làm đường băng. Khi băng cây sắn mọc nhiều, thân cành được tận dụng và lá làm thức ăn trong chăn nuôi. Nhờ việc áp dụng biện pháp xếp băng cành sắn, nếu mưa to có tác dụng cản dòng chảy, chống xói mòn và hiệu quả kinh tế cũng tốt hơn.

Anh Lê Thanh Nghị ở thôn Sặt Ngọt, xã Ðông Cuông, huyện Văn Yên cho biết: "Trước đây, gia đình san gạt tiểu đường băng để trồng sắn nhưng mất nhiều công và khó thực hiện do độ dốc cao, khi mưa to các đường băng bị trôi hết. Nay gia đình tôi áp dụng hình thức trồng cỏ paspalum trên diện tích trồng sắn, từ đó khắc phục được xói mòn, rửa trôi đất, năng suất trồng tăng lên. Với những hình thức canh tác thông thường, sản lượng sắn của gia đình chỉ đạt từ 15-17 tấn/ha. Nhưng khi áp dụng biện pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc, năng suất đạt 26 tấn/ha. Niên vụ 2023, giá sắn củ đạt 3,2 triệu đồng/tấn, gia đình thu về 87 triệu đồng. Hiện nay, cây sắn là nguồn thu chính của gia đình tôi".

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, hiện nay ở nhiều địa phương vùng miền núi phía bắc đã thực hiện các mô hình canh tác sắn trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Trong đó, tỉnh Sơn La có mô hình canh tác sắn bền vững áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trồng xen canh cây họ đậu hoặc tạo băng để chống xói mòn quy mô 31,5 ha với 135 hộ ở các huyện Mường La, Mai Sơn tham gia.

Phương pháp này hạn chế rửa trôi bề mặt, tăng độ phì cho đất, cải thiện môi trường sinh thái, năng suất sắn củ tươi đạt trung bình 30 tấn/ha, cao hơn trồng đại trà 5 tấn (trung bình 25 tấn/ha).

Ðối với cây trồng xen canh như lạc và đậu tương, năng suất đạt từ 2,5-2,8 tạ/ha; từ đó, giúp bà con nông dân thu lãi trung bình hơn 38,8 triệu đồng/ha, vượt hơn sản xuất sắn đại trà hơn 25,5 triệu đồng/ha.

Hay mô hình trồng sắn trên đất dốc xen canh lạc tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn triển khai năm 2018, quy mô 21 ha. Mô hình này cho năng suất sắn tươi đạt 48,5 tấn/ha, lạc trồng xen đạt 3 tạ/ha, lợi nhuận đạt 45 triệu đồng/ha.

Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình này còn góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ tài nguyên đất đai, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ðại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến hết năm 2023, diện tích sắn cả nước đạt 511.433 ha; trong đó, 19 địa phương vùng trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ có diện tích trồng sắn trên đất dốc đạt 130.487 ha với năng suất đạt 147,2 tạ/ha, sản lượng hơn 2,3 triệu tấn củ tươi. Hiện nay, sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của nước ta. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ ba thế giới và đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù vậy, phần lớn diện tích sắn tại các địa phương phía bắc được trồng trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng, địa hình chia cắt mạnh, đất đai bị suy thoái do xói mòn, rửa trôi… cho nên việc đầu tư thâm canh, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển khó khăn, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao. Hơn nữa, việc trồng sắn còn mang tính tự phát, phân tán, chưa hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn; sản xuất chưa theo chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân ít quan tâm đầu tư...

Thời gian tới các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững, phù hợp tập quán canh tác, điều kiện sinh thái; hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn về quy trình canh tác sắn trên đất dốc; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm sắn; xây dựng các mô hình nhân giống sạch bệnh, sản xuất sắn bền vững trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao.

Các địa phương cần hỗ trợ, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý phế phụ phẩm sau chế biến và tiêu thụ sản phẩm sắn.