Sản xuất nông nghiệp Điện Biên gặp nhiều khó khăn vì nắng hạn

NDO - Hiện đang là thời điểm lúa ruộng trong giai đoạn đòng già - trổ bông; các loại cây trồng khác ở giai đoạn phát triển thân, lá; một số loại cây ăn quả trong giai đoạn nuôi quả và lúa nương bắt đầu vào mùa gieo trồng… Tuy nhiên nắng nóng, khô hạn đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất, sinh trưởng của các loại cây tại Điện Biên.
0:00 / 0:00
0:00
Rất nhiều diện tích lúa ruộng tại thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa bị khô hạn.
Rất nhiều diện tích lúa ruộng tại thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa bị khô hạn.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Điện Biên, vụ đông xuân 2022-2023, nông dân trong toàn tỉnh gieo cấy gần 9.900ha lúa ruộng; hơn 5.100ha ngô xuân hè; 5.042ha sắn; 352ha lạc…

Hiện nay, 90% diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn đòng già - trổ bông; các loại cây trồng khác đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, song nắng nóng, khô hạn nhiều ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sinh trưởng các loại cây.

Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ gieo trồng các loại cây lương thực trên nương, như: Lúa nương, lạc, ngô xuân hè và cây sắn.Cụ thể, so lịch thời vụ xuống giống thì thời điểm này tiến độ gieo lúa nương đã chậm rất nhiều, bởi kế hoạch là 24 nghìn ha thì hiện mới thực hiện được 10ha (chậm hơn so thời điểm cùng kỳ năm trước gần 2.000ha); cây lạc dự kiến gieo trồng 352ha thì hiện chậm gần 300ha; cây ngô xuân hè có kế hoạch gieo trồng trên 5.100ha thì hiện đã chậm gần 4.500; cây sắn chậm gần 2.000ha…

Ảnh hưởng nắng nóng, khô hạn đến sản xuất nông nghiệp có biểu hiện rõ rệt, nặng nề nhất là tại địa bàn ở vùng cao, như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông. Ở vùng thấp như các huyện Điện Biên, Tuần Giáo thì cũng có nhiều diện tích lúa ruộng khu vực trên kênh bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Tại huyện Tủa Chùa, từ đầu tháng 2 đến nay liên tục xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài làm khô kiệt nguồn nước mặt các ao hồ, khe suối. Nắng nóng kéo dài đã làm khoảng 15% diện tích lúa ở các chân ruộng cao bị khô hạn.

Trong đó, có khoảng 15ha lúa tại các xã Mường Báng, Xá Nhè, Tủa Thàng và thị trấn Tủa Chùa bị thiếu nước trầm trọng, khó khắc phục. Với cây ngô - cây trồng chủ lực ở Tủa Chùa thì cũng chung thực trạng, bởi do thiếu nước nên tổng diện tích trồng mới đạt 1.602/5.030ha theo kế hoạch.

Sản xuất nông nghiệp Điện Biên gặp nhiều khó khăn vì nắng hạn ảnh 1

Chung sức cùng nông dân cứu lúa, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) đã hỗ trợ máy bơm ngày đêm bơm nước từ sông Nậm Mức vào ruộng.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết, diện tích ngô xuân, ngô hè thu và các loại cây trồng khác đều trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, không phát triển được.

Huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã hướng dẫn người dân các giải pháp phòng chống, khắc phục hạn hán; chỉ đạo khuyến nông xã, thôn bản và tổ quản lý thủy nông các xã, thị trấn hướng dẫn san sẻ nước tưới tiêu hợp lý, sử dụng nguồn nước tiết kiệm bằng biện pháp tưới luân phiên theo ngày cho các khu vực ruộng có chung kênh mương hoặc đường ống dẫn nước.

Cùng với đó, Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Công ty Quản lý thủy nông tỉnh có giải pháp điều tiết nước, tăng cường hệ thống đường ống dẫn nước về các cánh đồng thị trấn và xã Mường Báng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Nhận định tình trạng hạn hán, nắng nóng có nguy cơ kéo dài sẽ càng làm chậm thời vụ sản xuất và thiệt hại cây trồng, những ngày này người dân ở các huyện vùng cao, vùng khô hạn vô cùng lo lắng.

Với ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, thì Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các biện pháp chống hạn tạm thời, như: hỗ trợ máy bơm để bơm nước từ sông suối vào các chân ruộng cứu lúa, cứu cây trồng.

Chung tình trạng khô hạn như Tủa Chùa, ở huyện Điện Biên Đông đã ghi nhận nhiều diện tích lúa nước, lúa nương, khoai sọ, sắn tại một số xã: Keo Lôm, Phình Giàng, Xa Dung, Phì Nhừ… bị thiếu nước; tiến độ gieo trồng các loại cây đã chậm hơn rất nhiều so năm trước và chưa đạt kế hoạch giao.

Như cây lúa nương, nếu so thời điểm này của năm trước thì diện tích gieo trồng đã cơ bản đạt kế hoạch, nhưng năm nay mới thực hiện được 10ha trong khi tổng kế hoạch toàn huyện là 7.120ha.

Không chỉ ảnh hưởng tiến độ trồng mới, sinh trưởng của các loại cây lương thực mà tình trạng hạn hán kéo dài tại Điện Biên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các loại cây trồng lâu năm, cây ăn quả.

Tại xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) có 55ha cây ăn quả (chủ yếu bưởi, xoài, mít) đang trong thời kỳ ra quả và nuôi quả, nhưng do thiếu nước đã làm quả non rụng hàng loạt; một số diện tích (cây mít) mới trồng bị chết héo do thiếu nước.

Nhận định tình trạng hạn hán, nắng nóng có nguy cơ kéo dài sẽ càng làm chậm thời vụ sản xuất và thiệt hại cây trồng, những ngày này người dân ở các huyện vùng cao, vùng khô hạn vô cùng lo lắng.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) cho rằng, nếu vài ngày tới không có mưa thì khả năng mất mùa lên đến 70%. Người dân vùng cao sẽ càng khó khăn hơn.

Thường xuyên khuyến cáo các công ty thủy nông, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi thực trạng sản xuất, thời tiết tại địa phương để có giải pháp hỗ trợ nông dân bơm nước, điều tiết nước tưới phù hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên đề nghị các địa phương phải tiến hành ngay việc kiểm tra, đánh giá nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, các nguồn nước khác tại địa bàn.

Trên cơ sở đó, hướng dẫn người dân có giải pháp điều tiết nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước tưới cho lúa đông xuân, các cây trồng vụ xuân hè, cây ăn quả.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, để chống hạn cứu cây trồng hiệu quả rất cần nhân dân chung sức khơi thông dòng chảy trên các kênh, mương, máng; cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại hệ thống công trình thủy lợi, công trình tưới nước phục vụ sản xuất.

Đối với diện tích thiếu nước không có khả năng bảo đảm nước cần kịp thời hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, bảo đảm thời vụ gieo trồng.