Sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương trong cả nước

NDO - Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 18,3% so cùng kỳ và tăng ở 60 địa phương trong cả nước; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng; cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư là những dấu hiệu tích cực của tình hình kinh tế-xã hội tháng đầu tiên của năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2024 duy trì xuất siêu 0,38 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2024 duy trì xuất siêu 0,38 tỷ USD.

Sáng 29/1, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2024.

Về tình hình sản xuất công nghiệp, Báo cáo cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 4,4% so tháng trước và tăng 18,3% so cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3%, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.

Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so cùng kỳ tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Tín hiệu tích cực là số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/1/2024 tăng 0,5% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so cùng thời điểm năm trước.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 24,8% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so cùng kỳ.

Tuy nhiên đây cũng là tháng có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường rất cao, lên đến 53,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so cùng kỳ.

Hoạt động đầu tư tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực ở cả nguồn vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài.

Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng giáp Tết Nguyên Đán 2024 tăng 0,31% so tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.

Du lịch, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng nhờ Việt Nam luôn là điểm đến an toàn và chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện rộng khắp. Trong tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so tháng trước và tăng 73,6% so cùng kỳ.

Một số liệu được chú ý trong tháng giáp Tết Nguyên Đán là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tổng cục Thống kê cho biết so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 tăng 1,6% và tăng 8,1% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).