Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước

Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Việc quản lý tốt tài nguyên nước góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt rất thuận lợi cho vận tải thủy. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt rất thuận lợi cho vận tải thủy. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

An ninh nguồn nước đang trở thành vấn đề lớn, trong bối cảnh các hệ thống sông lớn của nước ta đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy: Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam là 504 tỷ m3 (chiếm 60% tổng lượng dòng chảy các sông của nước ta). Nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của khu vực Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.

Theo dự báo, trong mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10%-15%; xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước. Các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung vào: Lập hành lang bảo vệ nguồn nước; báo cáo tình hình sử dụng nước; công bố danh mục hồ, ao không san lấp lấn chiếm; kết nối hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa...

Đến nay, có 50 tỉnh, thành phố đã phê duyệt công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn; 49 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; 38 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.

Ngoài ra, có 26 tỉnh, thành phố thực hiện phê duyệt, công bố danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn theo quy định; 33 tỉnh, thành phố (đạt tỷ lệ 52,4%) đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt. Trong năm 2023, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh, thành phố cấp 1.928 giấy phép tài nguyên nước các loại...

Ngành tài nguyên và môi trường tập trung thực hiện công tác giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ; tổ chức thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất và chủ động cấp nước sinh hoạt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Công tác quản lý tài nguyên nước dần dần đi vào nền nếp, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bình quân thu từ thuế tài nguyên nước khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng/năm; từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh cho biết, mặc dù đạt kết quả tích cực công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta hiện vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn chưa cao. Việc xả nước thải vào nguồn nước của một số tổ chức, doanh nghiệp thực hiện lén lút, không đúng quy định. Nguồn nhân lực, kinh nghiệm cán bộ và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước tại các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Quá trình quản lý của các cấp cũng chưa xác định được cụ thể hết mục đích sử dụng nước, mục tiêu chất lượng nước và chưa kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông... Hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị và các đoạn sông chung quanh thành phố và khu công nghiệp còn vùng nông thôn chưa được quan tâm thỏa đáng. Việc phối hợp giữa các cấp và ngành chưa thực sự chặt chẽ cho nên công tác quản lý hoạt động tài nguyên nước nói chung và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước... còn những khó khăn nhất định.

Theo Bộ Trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, để khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước, hiện nay các đơn vị cần tích cực phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023 bảo đảm tiến độ và chất lượng. Toàn ngành tập trung hoàn thiện xây dựng các chính sách pháp luật với tầm nhìn tư duy chiến lược, lâu dài để đưa ra mục tiêu phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiêm chỉnh chấp hành để phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Các đơn vị trong ngành cần đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước "sống, đủ, sạch". Quá trình quản lý cần chủ động hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước để chia sẻ thông tin, kiến thức, xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ tài nguyên nước thông qua việc sử dụng nước trách nhiệm, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững về lâu dài.