Quyết định táo bạo giữ song thai mắc bệnh lý khó chữa
Sản phụ Linh được quản lý trong nhóm song thai chung một bánh rau của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngay từ tuần thứ 12 của thai kỳ. Đến khi thai 20 tuần, hai bào thai có sự chệnh lệch nhau về số lượng nước ối. Lúc này, Linh được chẩn đoán mắc hội chứng tiền máu giai đoạn một, một thai đa ối, một thai thiểu ối.
Duy trì theo dõi đến tuần 22, các bác sĩ thấy một thai đã cạn nước ối, bó chặt vào bào thai giống như hút chân không và thai không thể cử động được nữa. Thai còn lại đa ối bồng bềnh khiến sản phụ cảm thấy rất khó thở, tức ngực. Khi hội chẩn kiểm tra Doppler cho hai thai, các bác sĩ tại Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh phát hiện có dấu hiệu rối loạn Doppler của thai trong máu - thai bị cạn nước ối.
BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ở tuần 23, bệnh viện đứng trước quyết định cân não phải mổ cấp cứu cho sản phụ và liệu có giữ được cả hai thai hay không. “Sản phụ có hai thai dây rốn nằm ở hai mép của bánh rau nên không có khả năng nuôi dưỡng bào thai tốt. Khi quyết định giữ cả hai thai, chúng tôi cũng quyết định vô cùng mạo hiểm bởi vì nuôi dưỡng tự thân của sản phụ đã kém nên khả năng hồi phục sau mổ của sản phụ cũng có thể là không tốt”, BS Sim cho hay.
Các bác sĩ chúc mừng sản phụ Linh đã sinh con khỏe mạnh.
Ban Giám đốc cũng như các bác sĩ của Trung tâm chẩn đoán trước sinh đã phải hội chẩn rất kỹ để đưa ra quyết định là phải can thiệp như thế nào để hiệu quả nhất cho bào thai này. Dù xác định nhiều thách thức trong ca can thiệp bào thai này, nhưng có một điều khá thuận lợi để giữ hai thai là cân nặng thai khá tương đồng nhau. Do đó, khi mổ can thiệp đốt các cầu nối bánh rau thì tuần hoàn có thể lập lại cho hai thai như là hai bánh rau.
Sau 40 phút can thiệp, cả hai bào thai được bảo tồn và sản phụ Linh tiếp tục được theo dõi sát sao. 10 tuần sau can thiệp bào thai, sản phụ Linh đã chuyển dạ và sinh thường ở tuần thai thứ 33 vào ngày 28-12. Hai bé gái xinh xắn chào đời với cân nặng 1,8 kg và 1,7 kg.
"Đây là hai bé sinh đôi đầu tiên chào đời khỏe mạnh sau khi được điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng can thiệp bào thai tại bệnh viện. Hiện tại, hai bé đã tự thở, bú tốt và được chăm sóc tại khoa Sơ sinh", BS Sim hạnh phúc nói.
Nhân lên niềm hạnh phúc cho các gia đình
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trước đây, các trường hợp sản phụ mang song thai mắc hội chứng này thì 90% thai chết lưu trong tử cung. Chỉ có 10% trẻ song thai mắc bệnh lý này được chào đời nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh lý rất nặng nề về não. Nhiều sản phụ đã phải chịu cảnh mất con trong đau đớn kể cả khi được phát hiện bệnh lý vì không có một biện pháp nào cứu chữa.
Nhờ kỹ thuật can thiệp bào thai, đến nay, đã có 15 sản phụ được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội can thiệp thành công và đã có hai ca sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và BSCKI Nguyễn Thị Sim trong ca mổ can thiệp y học bào thai.
Ca em bé chào đời đầu tiên là ngày 14-12 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An). Sản phụ mang song thai mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của sản phụ Hường có nguy cơ lưu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ can thiệp bào thai. Ca mổ can thiệp nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng lâu nhất có thể.
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, với kỹ thuật can thiệp bào thai, có tới 90% các em bé mắc bệnh lý về truyền máu song thai, bệnh lý về não, tim, màng phổi đều có thể được cứu sống và chào đời khỏe mạnh.
Với một phòng mổ có trang thiết bị hiện đại, chuyên biệt cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo với các chuyên gia nước ngoài về can thiệp bào thai của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thì theo BS Ánh “Yếu tố tiên quyết để quyết định cuộc mổ thành công là phải chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm, để muộn quá thì việc mổ là vô nghĩa. Do đó, tất cả các cơ sở sản khoa cần chẩn đoán bệnh cho thai nhi kịp thời, khi phát hiện bệnh thì gửi ngay tới Bệnh viện phụ sản Hà Nội để được các bác sĩ can thiệp và xử trí kịp thời”.
BS Ánh cũng chia sẻ thêm, người mang song thai có nhiều nguy cơ, đặc biệt đối với những trường hợp có chung một bánh rau có đến 20-30% mắc hội chứng truyền máu song thai. Do đó, kỹ thuật này khi được triển khai và có thể chuyển giao tới nhiều cơ sở sản khoa khác, sẽ mang lại hạnh phúc rất lớn cho nhiều gia đình.