Cuộc khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp hai đối tượng: Người tiêu dùng và nhà bán lẻ tại bốn thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Ngoài ra, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức khảo sát trực tuyến trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của người tiêu dùng ở 63 tỉnh, thành phố. Kết quả ghi nhận hơn 70.000 lượt bình chọn bằng cả hai hình thức cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty cổ phần Vinamit (một trong những doanh nghiệp được bình chọn) cho rằng: Sau đại dịch Covid-19, thị trường đã hình thành một xu hướng mới, đó là thực phẩm xanh. Việt Nam là nơi có tài nguyên rất quý, cùng với lực lượng lao động trẻ, giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Đây là giá trị không chỉ sử dụng cho thị trường trong nước mà là nguồn lực, tiềm lực để có thể theo kịp xu hướng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện là một doanh nghiệp khoa học-công nghệ, Vinamit tiếp tục xây dựng viện nghiên cứu và ứng dụng về khoa học sức khỏe để tập hợp các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu những sản phẩm thật sự mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng tầm giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Cũng là lãnh đạo một đơn vị đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp VINA (Namilux) cho rằng: Để xuất khẩu sản phẩm như bếp ga đến thị trường châu Âu, phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (sản phẩm của EU). Các quốc gia trên thế giới, mỗi nước còn có các tiêu chuẩn riêng, nhất là khi Namilux nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, công ty phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của họ.
Trong suốt 20 năm phát triển, Namilux luôn duy trì sự đồng thuận với các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ việc tuân thủ các tiêu chuẩn này, sản phẩm của Namilux đã mở rộng thị trường sang hơn 30 quốc gia và sản lượng không ngừng tăng. Ngoài việc duy trì chất lượng, công ty cũng không ngừng cải tiến mẫu mã, giảm chi phí và tối ưu hóa giá thành để thích nghi với môi trường kinh doanh hiện nay.
Trong năm 2023, Namilux đã đầu tư hệ thống quản trị tổng thể SAP S/4HANA, một phần mềm tiên tiến giúp quản lý nguồn lực và kiểm soát chi phí hiệu quả. Hệ thống này đã giúp công ty quản lý nguồn lực, hiệu suất một cách hiệu quả, góp phần giảm chi phí và tăng năng suất sản xuất, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thông tin từ cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 cho thấy, nhóm doanh nghiệp mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là các doanh nghiệp có nỗ lực mang tính đột phá trong hoạt động phân phối với sự gia tăng độ phủ khá tốt tại các hệ thống phân phối. Hầu hết các doanh nghiệp mới đạt lần đầu là các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thực phẩm, là các doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hành sản xuất, đạt các chứng nhận OCOP (4 sao, 5 sao).
Ngành hàng có số doanh nghiệp đạt tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền, kế đến là ngành nước chấm, gia vị; ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp. Cuộc khảo sát còn ghi nhận nhiều thông tin khá thú vị từ thị trường với một số xu hướng tiêu dùng nổi bật như: Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển thật sự về chiều sâu.
Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Xu hướng lựa chọn sản phẩm xanh và sạch thân thiện môi trường hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, theo kết quả khảo sát về mức độ mua sắm của người tiêu dùng năm 2024 so với năm 2023 cho thấy tín hiệu lạc quan hơn, nhưng mức gia tăng không đáng kể. Chỉ gần một phần ba số người tiêu dùng được khảo sát cho biết mức chi tiêu mua sắm năm 2024 sẽ tăng hơn chút ít so năm 2023; hơn 40% số người tiêu dùng sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm; 30% số người tiêu dùng không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023. Điều này cho thấy, ít nhất sáu tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, cần tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, cần quan tâm hơn việc tiếp thị, bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng hiện nay sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày một nhiều. Thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng cũng là cơ hội để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn...