Vở Hedda Gabler là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà viết kịch Henrik Ibsen, tác giả của nhiều tác phẩm sân khấu kinh điển thế giới. Đây thật sự là một thách thức không nhỏ đối với nhiều nhà hát ở các nước bởi độ khó trong dàn dựng khi vở kịch hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc “xuyên thời gian” mà tác giả muốn chuyển tải.
Tuy nhiên, thành công của vở diễn cũng là sự ghi nhận về uy tín và chuyên môn của các đơn vị nghệ thuật không chỉ trong nước mà cả ở tầm quốc tế. Được dàn dựng bởi đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, một trong những đạo diễn tài năng của sân khấu Nhật Bản đương đại, vở diễn đã mang đến công chúng Việt Nam, nhất là các bạn trẻ một phiên bản hoàn toàn mới với những thông điệp mang tính thời đại cho dù vở kịch đã được sáng tác cách đây 130 năm.
Cũng như nhiều tác phẩm khác của Henrik Ibsen, nội dung vở Hedda Gabler xoay quanh câu chuyện hôn nhân gia đình và thân phận người phụ nữ mà ở đó họ luôn tìm cách vượt qua những rào cản mặc định, những áp đặt xã hội, khao khát hướng tới sự tự chủ và hạnh phúc cho mình.
Có người đi tới tận cùng để tự giải phóng cho mình dù biết rằng phía trước là những chông gai bởi cuộc sống không phải chỉ toàn hoa hồng và có người thì không thể, để rồi rơi vào bế tắc. Hedda Gabler là một người phụ nữ như thế, cô kết hôn với học giả Jorgen Tesman và vừa trở về ngôi nhà mới sau tuần trăng mật dài sáu tháng.
Những tưởng thời gian này là sự kết nối của hạnh phúc và yêu thương, song sự thật lại trái ngược khi Hedda phải đối mặt với một cuộc sống gia đình tẻ nhạt hằng ngày, hằng giờ mà cô không mong muốn phụ thuộc, với một người chồng chỉ biết đến sách vở, quanh quẩn trong câu chuyện học thuật và chuyện hư danh.
Chán nản với lựa chọn của mình, nhưng khi nhận ra đối thủ của chồng, đồng thời cũng là người yêu cũ của mình là Eilert đang có những thành công trong sự nghiệp, bản thảo nghiên cứu của anh ta sẽ gây được tiếng vang, qua đó sẽ loại bỏ công trình cũng như vị trí tương lai của chồng, Hedda tìm cách lấy và hủy hoại bản thảo đó, đồng thời là người đẩy Eilert đi đến chỗ tuyệt vọng, tự sát. Đạt được mục đích, song chính cô cũng không hiểu nó sẽ mang tới cho cô điều gì trong phần đời còn lại cùng những bế tắc không thể giải quyết.
Tuy còn vấp váp diễn xuất trong những trường đoạn tự sự ở một vở diễn dài gần hai giờ, nhưng nghệ sĩ Lương Thu Trang của Nhà hát Tuổi trẻ vào vai Hedda Gabler đã lột tả thành công một nhân vật có chiều sâu tâm lý với những diễn biến phức tạp, phản chiếu của các mâu thuẫn nhiều chiều trong nội tâm, vừa có yêu thương, trăn trở, giằng xé giày vò, vừa có cả những trống rỗng, cay đắng trong tâm hồn, muốn nổi loạn, phá bỏ những sắp đặt để tìm cho mình hạnh phúc và quyền được yêu, được sống, song vẫn sẵn sàng bất chấp, hy sinh cả tự do cá nhân với toan tính tham vọng nắm giữ được lợi ích và quyền lực với những người đàn ông chung quanh mình.
Hành trình cuộc đời và sự kết thúc của Hedda đáng thương và cũng đáng trách, song trên hết nó đã thể hiện thân phận người phụ nữ trong một xã hội mà nữ quyền không được đề cao, có rất ít cơ hội hoặc lựa chọn cho họ. Đó cũng là hiện thực mà Henrik Ibsen muốn nhấn mạnh, muốn đấu tranh để nâng đỡ, tạo ra sự bình đẳng, đồng thời cũng là những giá trị mang đậm tính nhân văn, giúp kịch của ông luôn được đón nhận, bền vững theo thời gian.
Phong cách dàn dựng trẻ trung, hiện đại của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cùng diễn xuất của dàn nghệ sĩ nổi danh Nhà hát Tuổi trẻ như: Lương Thu Trang, Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Ngô Lệ Quyên, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Thanh Tú, Duy Anh, Chí Huy, Nhật Quang, Tú Oanh, Huyền Trang, Mạnh Đạt, Quang Trọng, Anh Tú... đã góp phần vào thành công của vở diễn.
Vở Hedda Gabler được dàn dựng hoàn toàn theo quy chuẩn sân khấu Nhật Bản, từ khâu tuyển chọn diễn viên, đến phân tích cảm thụ tác phẩm, chăm chút tỉ mỉ từng hành động, lời thoại, nét mặt, cảm xúc nhân vật, kết hợp với nhiệt huyết, sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân từng nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến-Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ
Sân khấu vở diễn cũng được thiết kế khá đơn giản, không nhiều đạo cụ, chỉ xoay quanh một không gian chính là ngôi nhà của vợ chồng Hedda Gabler và phụ thuộc phần lớn vào diễn xuất, động tác, lời thoại của nghệ sĩ, nhưng vẫn mang lại ấn tượng và sự lôi cuốn.
Điều đặc biệt là việc biểu diễn không sử dụng micro như trên sân khấu thông thường, cho nên khán giả có thể thấy hết chất giọng và nội lực của nghệ sĩ. Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến cho biết: Đây là cơ hội giúp các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát được tiếp cận với tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới, được làm việc và học hỏi cùng với đạo diễn tài ba của Nhật Bản, qua đó giúp họ phát huy được hết tài năng và tố chất của mình.
Vở Hedda Gabler được Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp dàn dựng và sẽ dự Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11 tới ■