Nhóm kim loại tiếp tục dẫn dắt xu hướng chung với toàn bộ 10 mặt hàng đồng loạt tăng mạnh, đóng góp chính vào đà phục hồi của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Cùng với đó, thị trường dành nhiều chú ý đến hai mặt hàng cà-phê khi giá bật tăng mạnh sau chuỗi ngày giằng co và suy yếu.
Giá quặng sắt dẫn đà hồi phục thị trường kim loại
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần (11/9), sắc xanh phủ kín bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 0,9% lên 23,38 USD/ounce. Giá bạch kim lấy lại mốc 900 USD/ounce sau khi tăng 0,84%, chốt phiên tại mức 902,3 USD/ounce. Giá vàng phục hồi 0,2% lên 1.921,6 USD/ounce.
Sự suy yếu của đồng USD đã kéo dòng tiền quay lại thị trường kim loại quý trong phiên hôm qua.
Vào cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cho biết, Nhật Bản có thể chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Điều này khiến cho đồng yên Nhật tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần.
Trong khi đó, đồng euro cũng tăng do lo ngại Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 14/9. Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng phục hồi từ mức thấp nhất trong 3 tháng sau khi quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Catherin Mann cho biết còn quá sớm để BOE ngừng tăng lãi suất.
Việc đồng yên Nhật, bảng Anh và euro đồng loạt mạnh lên đã khiến đồng USD suy yếu, khi chỉ số Dollar Index giảm 0,5% xuống 104,57 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Đồng USD suy yếu khiến chi phí đầu tư và kinh doanh bớt đắt đỏ hơn, hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim.
Trong nhóm kim loại cơ bản, giá các mặt hàng đều tích cực nhờ vào các dấu hiệu lạc quan về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu. Chốt ngày, giá đồng COMEX tăng 2,44%, đứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, trong khi giá quặng sắt tăng 3,55% lên 117,35 USD/tấn.
Cụ thể, vào cuối tuần trước, Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,1% so cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức giảm 0,3% đạt được vào tháng 7. Như vậy, lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng trở lại sau lần giảm đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 7 đã cho thấy nhu cầu có cải thiện. Ngoài ra, giảm phát giá sản xuất (PPI) thu hẹp đà giảm xuống -3% trong tháng 8 từ mức -4,4% trong tháng 7.
Bên cạnh đó, sau khi nhu cầu tín dụng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm vào tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, các khoản vay đã tăng trở lại trong tháng 8 với tổng tài trợ xã hội tăng gần 6 lần so với tháng 7 và số khoản vay mới tăng gần 4 lần. Nhu cầu tín dụng phục hồi là dấu hiệu tích cực về nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế.
Các tin tức này làm tăng kỳ vọng về sự phát triển ổn định hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và củng cố nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất.
Giá cà-phê bật tăng ngày đầu tuần do nông dân hạn chế bán hàng
Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 11/9, ngoại trừ dầu cọ thô, toàn bộ 9 mặt hàng nguyên liệu công nghiệp còn lại đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh.
Đi ngược xu hướng chung của thị trường, giá dầu cọ thô lao dốc tới 3,05% trong phiên đầu tuần, về giao dịch mức 3794,57 USD/tấn. Tồn kho tại Malaysia tăng củng cố nguồn cung dầu cọ.
Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, tồn kho dầu cọ cuối tháng 8 của Malaysia tăng 22,5% so tháng trước lên 2,12 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 7 tháng. Con số trên cũng vượt qua mức 1,89 triệu tấn dự đoán trung bình của thị trường do sản lượng tăng cao trong khi xuất khẩu suy yếu.
Đáng chú ý, hai mặt hàng cà-phê bật tăng mạnh, dẫn dắt xu hướng thị trường khi ghi nhận mức tăng lần lượt 2,83% với Arabica và 1,33% với Robusta, đưa giá giao dịch lần lượt là 3.369 USD/tấn và 2.349 USD/tấn. Theo MXV, xuất khẩu cà-phê trong tháng 8 của Việt Nam thấp là nguyên nhân chính kéo giá Robusta lên, trong khi đồng USD suy yếu khiến hạn chế lực bán từ nông dân Brazil, từ đó thúc đẩy giá Arabica.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index giảm 0,55% trong phiên hôm qua trong khi đồng Real nội tệ của Brazil mạnh lên đã kéo tỷ giá USD/Brazil Real giảm mạnh 1,15%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp khiến nông dân Brazil hạn chế bán ra do thu về ít nội tệ hơn.
Xuất khẩu cà-phê Robusta tháng 8 của Việt Nam chỉ khoảng 84.647 tấn, giảm mạnh 22,3% so tháng trước và hạ 25,1% so cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Hải quan. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu thấp hơn so cùng kỳ năm 2022. Hơn nữa, lũy kế xuất khẩu cà-phê trong 8 tháng đầu năm là 1,2 triệu tấn, giảm 5,4% so với 8 tháng đầu năm 2022.
MXV nhận định, việc giá cà-phê bật tăng ngay sau dữ liệu xuất khẩu cà-phê tháng 8 kém tích cực tại Việt Nam cho thấy nguồn cung từ Việt Nam vẫn đang là 1 trong những mối quan tâm hàng đầu của thị trường và là yếu tố mang tính dẫn dắt đối với giá Robusta.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn còn lo lắng về sự sụt giảm nguồn cung tại Việt Nam và thiếu hụt nguồn cung toàn cầu do nước ta chưa bước vào giai đoạn thu hoạch tập trung. Bên cạnh đó, sản lượng vụ mới chưa sẵn sàng để đẩy ra thị trường, trong khi xuất khẩu tại Brazil có tín hiệu chững lại. Điều này có thể hỗ trợ giá Robusta tiếp tục giằng co quanh mức 2.390 USD/tấn và giá cà-phê nội địa vẫn duy trì trên 64.000 đồng/kg.
Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hồi phục mạnh 600 đồng/kg, đưa giá thu mua cà-phê trong nước lên mức 65.100-66.000 đồng/kg.