Sắc màu hội họa trên bánh trung thu

NDO -

Vẫn là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống được làm thủ công, nhưng mùa trung thu này, người tiêu dùng có thêm một sự lựa chọn mới, đó là những chiếc bánh được trang trí khéo léo giống như một tác phẩm hội họa từ cảm hứng tranh dân gian Đông Hồ, tranh sơn dầu của các họa sĩ Mai Trung Thứ, Bùi Xuân Phái…

Thùy Dương và chiếc bánh trung thu được trang trí khéo léo như một tác phẩm hội họa.
Thùy Dương và chiếc bánh trung thu được trang trí khéo léo như một tác phẩm hội họa.

Tốt nghiệp ngành tài chính kế toán, từng làm việc tại ngân hàng nhưng cách đây vài năm, cô gái 26 tuổi Nguyễn Thị Thùy Dương (TP Hồ Chí Minh) đã từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp với niềm đam mê làm bánh của mình.

Có năng khiếu hội họa và yêu thích làm bánh, Dương mở tiệm bánh kinh doanh các loại bánh kem, bánh ngọt. Dương thường xuyên thử nghiệm và cập nhật các xu hướng làm bánh mới, hướng dẫn công thức làm nhiều loại bánh khác nhau. Để lan tỏa và chia sẻ đam mê của mình, Dương mở các lớp dạy làm bánh ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thu hút nhiều học viên cùng chung sở thích.       

Trao đổi về dòng bánh trung thu mới, Nguyễn Thị Thùy Dương cho biết: “Trong thời gian giãn cách tại nhà do dịch Covid-19, tôi nảy ra ý tưởng thay đổi diện mạo cho bánh trung thu. Bản thân tôi rất yêu thích dòng tranh dân gian Đông Hồ và yêu mến tranh của các hoạ sĩ trong nước cho nên tôi thử sức chuyển tải những nét văn hóa dân gian lên bề mặt bánh, mong muốn tạo hiệu ứng mới mẻ, bắt mắt cho những chiếc bánh cổ truyền”. 

Thực tế việc chép tranh lên bề mặt bánh không đơn giản chút nào. Để thể hiện được những chi tiết trong dòng tranh Đông Hồ như Lợn ăn cây ráy, Hái dừa, Đánh ghen hay các chủ đề thiếu nữ trong tranh của hoạ sĩ Mai Trung Thứ lên bề mặt khá nhỏ của bánh trung thu, Thùy Dương phải cán một lớp đậu mỏng lên bề mặt bánh, tạo ra lớp nền để vẽ màu, trang trí. 

Sau nhiều lần thất bại vì màu sắc chệch choạc, Dương dần rút ra được kinh nghiệm từ cách pha màu, điều chỉnh màu phù hợp với lớp nền đến thể hiện bố cục bức vẽ hài hòa, cân đối. Với những chủ đề đơn giản, ít chi tiết, hình vẽ đơn giản như phong cảnh thiên nhiên, hoạ tiết hoa lá, trang trí hoa 3D, Thùy Dương hoàn thiện vẽ mặt bánh trong 5 đến 10 phút. Với những bức vẽ phức tạp, nhiều chi tiết, chép theo tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, Bùi Xuân Phái, cô dành 30 đến 40 phút để pha màu cẩn thận, tỉ mỉ, trau chuốt từng nét vẽ.

Thật bất ngờ khi những bức hoạ lấy ý tưởng từ tranh dân gian đã góp phần làm nổi bật yếu tố truyền thống của dòng bánh trung thu cổ truyền, không những không ảnh hưởng đến hương vị của các loại nhân thập cẩm, đậu xanh mà còn mang đến làn gió mới sinh động, bắt mắt cho tổng thể chiếc bánh. Là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, Thùy Dương cẩn thận lựa chọn màu thực phẩm của những công ty uy tín, đạt tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe. 

Nếu không bị hạn chế bởi dịch Covid-19, Thùy Dương sẽ vẫn thường xuyên đi về giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tổ chức lớp dạy làm bánh kem nghệ thuật trực tiếp.

Tuy nhiên, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chị em có nhiều thời gian rảnh rỗi ở nhà, cho nên Thùy Dương chuyển sang mở các lớp dạy làm bánh trực tuyến với nhiều khung giờ khác nhau để mọi người giao lưu, học làm bánh. Đa dạng các khóa học, từ lớp tạo hình thú và hoa nổi hiện đại, lớp hoa nghệ thuật và vẽ bánh, nhưng khi mùa trăng tròn đang đến, khóa dạy làm bánh trung thu của Dương thu hút nhiều người tham gia hơn cả. 

Thùy Dương còn chia sẻ công thức, kinh nghiệm làm các mẫu bánh trung thu lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian lên các hội, nhóm trên mạng xã hội, sản phẩm nhanh chóng đón nhận sự yêu thích và quan tâm của hàng chục nghìn thành viên, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người thử sức, vào bếp làm bánh, vẽ bánh.

Không giới hạn sự sáng tạo, cô gái trẻ 9X Nguyễn Thị Thùy Dương tiếp tục tìm tòi và thử nghiệm những hương vị mới cho cả nhân và vỏ bánh, đồng thời lan tỏa những yếu tố truyền thống, tích cực đến với cộng đồng trong những ngày giãn cách xã hội vì Covid-19.