Sắc màu gốm Chăm Bình Đức

Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo,… phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Tiêu biểu là nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Đơn Thị Hiệu, làng gốm Chăm Bình Đức đang tạo hình một sản phẩm gốm. (Ảnh: Ngọc Lân)
Nghệ nhân Ưu tú Đơn Thị Hiệu, làng gốm Chăm Bình Đức đang tạo hình một sản phẩm gốm. (Ảnh: Ngọc Lân)

Độc đáo kỹ thuật làm gốm Chăm

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ như chum, nồi, mâm, bình… với kỹ năng, kinh nghiệm được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nét độc đáo nghề làm gốm của người Chăm là “kỹ thuật đánh tròn”, với một cột trụ gắn với bàn nặn cố định, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh bàn nặn để tạo hình sản phẩm theo ý muốn.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về gốm, “kỹ thuật đánh tròn” có từ thời Đồ Đá Mới, hiện nay chỉ lưu giữ ở 10 nước trên thế giới. Sau khi tạo hình, sản phẩm gốm thô được phơi khô và nung đốt ngoài trời bằng củi và rơm. Kỹ thuật này được gọi là “đốt hoang”, chỉ vài địa phương áp dụng.

Nghề gốm Chăm do phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi đào đất hoặc phụ giúp lúc nung gốm. Kỹ năng và kinh nghiệm làm gốm được truyền qua các thế hệ trong gia đình theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền - con nối”. Nghề gồm cũng tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội. Nghệ nhân Ưu tú Đơn Thị Hiệu, 85 tuổi, ở làng gốm Bình Đức cho biết, năm 15 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy nghề làm gốm. Bà gắn bó với nghề và nay lại truyền dạy cho con cháu. Đối với bà, nghề gốm truyền thống không giàu, nhưng vẫn đủ nuôi sống gia đình.

Tại Triển lãm “Thế giới qua ngọn lửa” tổ chức tại Nhật Bản năm 1996, bà Đơn Thị Hiệu cùng gia đình đã được mời sang biểu diễn. Tất cả nguyên liệu và dụng cụ làm gốm đều được mang sang để thực hành tại chỗ. Ngày 29/11/2022, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là tin vui đối với chính quyền và người Chăm ở tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là người Chăm ở làng gốm Bình Đức.

Khó khăn trong bảo tồn và phát triển

Nghề gốm của người Chăm đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự tác động của quá trình đô thị hóa, nguồn nguyên liệu thô ngày càng hiếm. Thị trường tiêu thụ thu hẹp; nghệ nhân lành nghề tuổi cao, sức yếu, người sống được bằng nghề gốm không nhiều, thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề.

Trước đây, Bình Đức có 120 hộ làm gốm, nay chỉ còn 45 hộ làm thường xuyên, 30 hộ làm thời vụ để phục vụ nhu cầu vào dịp lễ, Tết. Hiện nay, nghề gốm mỹ nghệ đang được một số nghệ nhân làng Bình Đức tiếp cận và tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo… vẫn từ những chất liệu tại chỗ nhưng có hàm lượng thẩm mỹ cao hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nghệ nhân Lương Thị Hòa, xã Phan Hiệp cho biết, từ năm 19 tuổi, bà đã được truyền nghề làm gốm. Năm 2001, tỉnh tổ chức cho bà tham gia lớp học gốm mỹ nghệ và học nâng cao tại một số địa phương ngoài tỉnh, từ đó bà chuyển sang làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Sản phẩm khá đa dạng như tháp Chăm, bình nước, bình hoa, linga… theo đơn đặt hàng hoặc khách đặt làm theo mẫu. Tuy nhiên sản phẩm tiêu thụ còn rất hạn chế, chủ yếu ở các triển lãm, trưng bày.

Ông Hắc Văn Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phan Hiệp cho biết, nghề gốm ở làng Bình Đức gắn với văn hóa của đồng bào Chăm, cần được bảo tồn và phát huy. Muốn vậy, cần dành những khu vực có đất nguyên liệu làm gốm đủ cho nhu cầu, cần hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu rộng rãi để nghệ nhân sống được với nghề.