Rừng và thiết chế làng rừng Tây Nguyên

Quá trình cư trú lâu đời giữa miền thượng du dưới chân dãy Trường Sơn, đại ngàn với tất cả những gì thuộc về nó đã quy định việc hình thành nên các giá trị văn hóa của các tộc người. Các dân tộc anh em trên miền rừng núi rừng phía tây Tổ quốc đã liên tục trả lời cho các câu hỏi một cách có trách nhiệm về sự lựa chọn không gian sống của mình bằng những đặc điểm, tập quán pháp riêng biệt. Không gian rừng đã chi phối toàn bộ cuộc sống, cách sống, lối sống, kiểu sống và mọi hành vi ứng xử của cư dân rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Một thanh niên dân tộc Cơ Ho làm hướng dẫn viên du lịch tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà.
Một thanh niên dân tộc Cơ Ho làm hướng dẫn viên du lịch tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà.

Trong không gian của rừng, thiết chế xã hội cổ truyền, hệ thống tri thức bản địa, các tập tục, nghi lễ, kiến trúc, trang phục, nghệ thuật… đã từ đó hình thành. Những điều đó đã làm nên nét riêng, dấu ấn riêng, bản sắc riêng của mỗi tộc người. Rừng, với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, không chỉ là hệ sinh thái mà rừng chính là cội nguồn của đời sống tâm linh.

Trong thẳm sâu tâm hồn của các tộc người, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng đối với rừng, họ coi cây rừng đúng như một sinh vật sống, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau, cũng có linh hồn. Khi buộc phải chặt hạ một cây rừng cho nhu cầu thiết yếu, bao giờ người Tây Nguyên cũng ân cần làm lễ xin lỗi cây, tạ ơn rừng.

Người Tây Nguyên sống theo "đạo đức của rừng", vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng. Rừng là không gian sinh tồn, theo nhà dân tộc học George Condominas còn là không gian xã hội và là cội nguồn của tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người.

Núi rừng đối với đồng bào Tây Nguyên vừa bí ẩn, hoang dã, vừa thân thiết, gần gũi. Trên đất Tây Nguyên này, ở đâu có núi rừng ở đó có thần linh. Cả không gian đại ngàn đều là nơi ngự vì của các vị thần, nơi nào núi càng cao, rừng càng sâu thì thần linh nơi đó càng thiêng. Tôi đã thấy đồng bào nam Tây Nguyên sùng kính nhiều vị thần của họ.

Tồn tại bên cạnh các vị phúc thần còn có muôn loài ma quỷ hiện hữu giữa núi rừng bí ẩn mà đồng bào gọi tên chung là "cà". Các vị thần trong tâm thức của cư dân rừng, được phân công mỗi vị một việc. Thần cũng ngày đêm sớm tối cần mẫn lo sắp xếp việc sinh cơ lập nghiệp, lo cái ăn cái uống, lo sinh nòi đẻ giống cho muôn loài cư ngụ ở rừng.

Trong khi các vị phúc thần dốc lòng phò trợ cho buôn làng no ấm, chứng giám cái hay điều tốt của dân làng, xử phạt những người làm việc xấu thì các thế lực "cà" chăm chăm rình rập làm hại lương dân. Người Tây Nguyên nương náu dưới tán rừng, họ vừa phải lo lễ lạt cho các vị phúc thần ưng cái bụng lại vừa phải làm vui lòng ma quỷ…

Các dân tộc ngàn năm sinh tồn giữa không gian đại ngàn nhưng không bao giờ họ tự nhận là chủ nhân núi rừng. Đồng bào ứng xử với tự nhiên như là một cách dự phần vào đời sống hoang dã. Họ coi mình là một thực thể cộng sinh, một thành phần trong muôn ngàn giống loài tự nhiên. Đó là thái độ ứng xử thể hiện sự tôn trọng, sự hòa hợp giữa con người với không gian sinh tồn của mình.

Đại ngàn hùng vĩ và nhân văn thêm bởi hệ minh triết rừng, bởi lẽ sống của con người giữa thăm thẳm mênh mang đại ngàn. Đồng bào nghĩ về khu rừng thiêng nơi mình đang sống bằng một tâm tưởng lễ độ, một cách tự nguyện thực hiện quy ước giữa thần linh và con người từ thuở xa xưa. Thần có linh của thần, người có phúc của người.

Giữa thiên nhiên hoang dã và bí ẩn, con người thật nhỏ bé, nhưng là sự nhỏ bé trong tâm thế bình đẳng. Trước núi rừng, trong tinh thần của cư dân rừng vừa có sự sợ hãi cố hữu vừa có sự thân thuộc thường ngày. Họ tìm cách đối thoại để thêm phần hiểu biết mà đối phó. Họ tìm kiếm phương cách đối đãi qua các nghi lễ nhằm đạt sự thỏa hiệp lại vừa hòa hợp bằng những phép ứng xử trở thành tập quán pháp.

Một già làng nói: "Từng có thời du canh, phát rừng làm rẫy, nhưng đồng bào mình ngày xưa không phát rừng tùy tiện, không tàn phá những cánh rừng đầu nguồn. Là những cư dân "ăn rừng" mưu sinh nhưng việc khai thác lâm sản của ông bà trong quá khứ chỉ dừng lại ở nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của cộng đồng mà không tạo nên sinh lợi về tiền tệ". Không được chặt cây hay săn bắt thú vật ở khu rừng đầu nguồn, theo các già làng, nếu tự ý chặt, bắt ở những khu rừng này sẽ bị thần linh trả thù, gây mất mùa, dịch bệnh hay chết chóc.

Thực ra, sống ở rừng, người Tây Nguyên nhận thức sâu sắc giá trị của rừng đầu nguồn đối với sự bảo tồn và phát triển hệ sinh thái. Khi canh tác nương rẫy, đồng bào cũng trừ lại những khoảnh rừng trên đỉnh núi, giữ lại để các vị thần có nơi trú ngụ. Nhưng thật sự điều này còn là khoa học, tri thức và kinh nghiệm. Người Tây Nguyên hiểu rằng, những khoảng rừng này chống lại mưa lũ, xói mòn; đồng thời là tác nhân tái sinh các loại cây hoang dại khi rẫy được bỏ hóa trong quá trình luân canh.

Thời xưa, nếu thiếu một vài cây gỗ để làm nhà hay làm quan tài thì các gia đình xin phép chủ làng rồi đem lễ vật cúng ở vị trí cây định chặt hạ để xin phép thần linh. Tín ngưỡng thờ Thần Rừng với những kiêng cữ, nếu gạt bỏ những màn sương huyền bí, có thể thấy đó là một phương thức tác động vào tự nhiên một cách khoa học, ngăn chặn các hành động tàn phá rừng một cách vô lối. Luật tục của các dân tộc Tây Nguyên cũng quy định rõ những khu rừng nào thì được và những khu rừng nào thì không được tự ý chặt hạ, khai thác.

Với những tri thức, kinh nghiệm, từ xa xưa, cư dân rừng đã có ý thức cao trong việc bảo vệ tài nguyên. Phương thức tác động, cách ứng xử chứa tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng thiên nhiên. Quy ước bảo vệ rừng thể hiện rõ trong pơn dik-pơn ding, nrí-nrình (luật tục) của cộng đồng. Ở đó, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, hình phạt. Trách nhiệm là chính, còn hình phạt có chức năng củng cố trách nhiệm. Không phân biệt người trong hay ngoài cộng đồng, hễ vi phạm rừng thiêng sẽ bị xử phạt theo luật tục.

Ở nhiều cộng đồng thiểu số, khi một người đàn ông đến tuổi trưởng thành, bản thân anh ta nhận thức được rằng mình đã mang rất nhiều món "nợ": nợ cha mẹ, họ hàng, làng buôn, nợ các thần linh, nợ núi rừng đã nuôi sống anh ta. Chính vì ý thức mang món "nợ" tinh thần đó, mà khi "ăn rừng", người đàn ông ấy chỉ lấy từ rừng những gì mình cần, lấy vừa đủ, không để dư thừa, phí phạm hoặc lấy nhiều để tích lũy. Vì khi lấy đi từ rừng một sản vật nào đó, anh lại nợ thêm thần núi, thần rừng một giá trị tương đương mà có khi phải trả bằng cả mạng sống của mình…

Rừng với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, là hệ sinh thái mà còn là cội nguồn của đời sống tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Suốt bao đời qua, sống giữa đại ngàn hoang dã với muôn vàn đe dọa và cả những cơ hội vô tận, người ở rừng đã trải qua biết bao năm tháng gian nan và để lại một hệ thống di sản văn hóa đa dạng và lưu truyền một kho tàng tri thức bản địa vô giá.

Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng. Nương náu dưới tán rừng, cư dân rừng đã tạo ra một hệ minh triết hòa hợp theo lý lẽ của rừng; vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, nhân văn và vô cùng thực tế.

Là một địa bàn cư dân đặc thù, toàn bộ hệ giá trị văn hóa truyền thống các tộc người Tây Nguyên được sáng tạo, phát huy, thụ hưởng, trao truyền trong không gian rừng và bởi thiết chế làng. Có rừng thì có làng, cư dân các buôn làng sống trong tâm thế rừng như là làng nằm trọn trong không gian đại ngàn. Làng ở Tây Nguyên là một đơn vị cơ bản trong xã hội cổ truyền và còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay. Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, thì tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng, thậm chí "tính làng" còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức tộc người.

Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng hội đồng già làng, là tập hợp những người hiền minh nhất của làng. Hội đồng già làng từng quản lý và điều hành mọi hoạt động của làng bằng một hệ thống luật pháp cổ truyền đặc biệt: Luật tục. Cho đến nay, luật tục Tây Nguyên vẫn tồn tại song hành cùng luật pháp và những mặt tích cực vẫn được phát huy giá trị trong quản lý xã hội.