Rộn ràng đón Xuân, vui Tết trên mọi miền đất nước

Trong ba ngày Tết Giáp Ngọ vừa qua, trên khắp mọi miền đất nước diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các tầng lớp nhân dân. Từ những đô thị lớn cho đến các làng quê, không khí đón Xuân mới, vui Tết rộn ràng, ấm cúng, bình dị mà không kém phần vui tươi.

Ðón chào năm mới Giáp Ngọ 2014, nhiều người dân Thủ đô Hà Nội đổ về khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm vui Xuân và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa.  Ảnh: TRẦN HẢI
Ðón chào năm mới Giáp Ngọ 2014, nhiều người dân Thủ đô Hà Nội đổ về khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm vui Xuân và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa.  Ảnh: TRẦN HẢI

Thời tiết những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ ở Hà Nội như chiều lòng người. Nắng ấm trải dài trên khắp các phố phường làm cho mầu cờ, hoa thêm tươi tắn, sắc xuân càng tưng bừng. Trong đêm giao thừa, các điểm vui chơi ngoài trời, điểm bắn pháo hoa đông nghịt người. Không khí ấm áp, tươi vui bao trùm cả thành phố. Mồng một Tết, đường phố, ngõ xóm ở Thủ đô chỉ vắng lặng trong buổi sáng. Từ đầu giờ chiều, đường phố bắt đầu náo nhiệt, đông đúc. Rất nhiều gia đình đi chơi, chúc Tết bằng xe máy. Trẻ em háo hức bởi nắng ấm nên được bố mẹ cho đi chơi nhiều hơn, nhất là vui chơi ngoài trời, được ngắm khung cảnh trang trí lộng lẫy ở chung quanh hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, Công viên Thống Nhất... Ðông vui nhất là ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hàng nghìn người đã tới đây trong chiều mồng một Tết. Không chỉ đi vãn cảnh, mọi người đưa con cháu tới đây nhằm giáo dục cho con em mình về truyền thống hiếu học của dân tộc và cảm nhận một không gian văn hóa. Chính vì vậy mà việc đi dạo "phố ông đồ" để thưởng thức tài hoa và xin chữ là một hoạt động sinh hoạt văn hóa ngày càng được người dân ưa chuộng khi tới thăm di tích này. Anh Nguyễn Quang Anh ở phường Ô Chợ Dừa (quận Ðống Ða) cho biết: "Năm nào tôi cũng đưa các con tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày đầu năm mới để được cùng với các cháu cảm nhận không gian rất đặc biệt nơi đây, vừa trang nghiêm mà vẫn ấm áp lạ thường. Dạo bước từ cổng vào đến khu Bái Ðường, đi giữa dòng người đông đúc, chúng tôi cảm nhận được sự thanh tĩnh trong tâm hồn".

Không chỉ ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn có đông người đi lễ, mà hầu hết những ngôi chùa trên địa bàn như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ... thu hút nhiều người tới trong ngày đầu năm mới, làm cho một số tuyến đường chung quanh các địa điểm nêu trên thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ. Bác Nguyễn Thị Thu (phường Ðiện Biên, quận Ba Ðình) chia sẻ: "Tôi và nhiều người khác đi lễ bây giờ không chỉ còn cầu xin sự an lành và những điều tốt đẹp cho người thân của mình, mà cầu nguyện điều ấy đến với tất cả mọi người trong xã hội, nhất là những người đang có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật". Người Hà Nội hiện nay ngày càng quan tâm và tham gia nhiều hơn các hoạt động từ thiện, nhân ái. Những ngày đầu xuân năm mới ở Hà Nội thật rộn ràng bởi tiết trời ấm áp làm cho lòng người thêm phấn khởi, muốn đi gặp gỡ, muốn làm ngay những việc có ý nghĩa khởi đầu cho một năm mới tốt lành. Nhiều cửa hàng, quán ăn mở cửa ngay trong ngày mồng một Tết đón khách vui xuân...

* Trong tiết trời se lạnh, cùng với đồng bào cả nước, nhân dân TP Hồ Chí Minh hân hoan đón mừng xuân mới trong niềm phấn khởi. Tối 30 Tết, các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố thật náo nhiệt. Cũng như mọi năm, nhiều người dân thành phố, nhất là các bạn trẻ đổ về khu trung tâm, nơi có Tượng đài Bác Hồ kính yêu, ai cũng muốn được đón chào giờ khắc linh thiêng chuyển giao năm cũ sang năm mới ở nơi trang trọng nhất thành phố. Ðể tạo điều kiện cho nhân dân vào khu trung tâm đón Tết vui xuân, cảnh sát giao thông thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra giữ gìn trật tự; lập nhiều điểm chốt phân luồng, hướng dẫn đi lại không để ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên xung phong tổ chức nhiều điểm giữ xe đúng giá quy định càng tạo thêm niềm vui cho khách du xuân.

Khách tham quan Lễ hội "Ðường sách" mừng Tết Giáp Ngọ tại TP Hồ Chí Minh.

Trong những ngày Tết, đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách Mạc Thị Bưởi, Ngô Ðức Kế, Công viên Văn hóa Tao Ðàn... là những địa điểm được nhiều người dân thành phố lựa chọn để du xuân. Với chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố tôi yêu", đường hoa Nguyễn Huệ mang đến cho người dân một không gian ngập tràn hương sắc các loài hoa. Ngoài hàng trăm nghìn chậu hoa đặc trưng của mọi miền đất nước, đường hoa còn tái hiện khung cảnh đồng quê với những ruộng lúa, bờ tre, bụi tầm vông... xanh mướt dưới ánh nắng ban mai. Trong niềm phấn khởi, ông Nguyễn Văn Hải, ở khu phố 3, phường 8, quận 3 vui vẻ nói: "Năm nào tôi cùng gia đình cũng đón giao thừa ở đường hoa Nguyễn Huệ. Mỗi năm mỗi vẻ, nhưng tôi cảm nhận năm sau lại đẹp, trang trọng hơn năm trước. Ðúng là thành phố mình ngày càng đi lên, ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình".

* Trong những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, tại Quảng trường Trung tâm văn hóa Hội nghị tỉnh Ðiện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên đã khai mạc Chương trình vui Xuân Tết Giáp Ngọ 2014 bao gồm nhiều hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc, mang đậm sắc thái, mầu sắc văn hóa của cộng đồng 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Trước lúc diễn ra màn trống khai hội vui Xuân Tết Giáp Ngọ, người dân trên địa bàn đã được thưởng thức Chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc mang chủ đề "Mừng Ðảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới" do Ðoàn nghệ thuật Hoa ban trắng của tỉnh biểu diễn.

* Khác với mọi năm, do thực hiện xã hội hóa, đêm giao thừa, tại trung tâm 11 huyện, thành phố trong tỉnh Lạng Sơn đều tổ chức bắn pháo hoa, làm cho không khí đón Tết, vui xuân của nhân dân các dân tộc trong tỉnh càng thêm phấn chấn. Ðặc biệt là tại năm huyện giáp biên giới và các khu vực cửa khẩu, nhân dân các thôn, bản giáp biên, sau bữa cơm tất niên đã háo hức về trung tâm thị trấn để thưởng thức màn bắn pháo hoa và xem các chương trình biểu diễn văn nghệ do các đoàn nghệ thuật quần chúng biểu diễn, với chủ đề: "Mừng Ðảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới". Trong ba ngày Tết, công tác an ninh trật tự được bảo đảm tốt. Các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, hải quan tại các khu vực cửa khẩu ngoài việc bảo đảm an ninh cho hàng hóa còn tạo điều kiện cho các lái xe ở lại khu vực được đón Tết một cách đầy đủ và đầm ấm.

* Ðêm giao thừa, hàng nghìn người dân đã tập trung tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng trong thời khắc đón chào năm mới Giáp Ngọ để thưởng thức chương trình ca nhạc chào xuân mới và những màn pháo hoa rực rỡ soi bóng mặt hồ Tam Bạc. Tại các quận, huyện cũng diễn ra nhiều chương trình văn nghệ, các hoạt động văn hóa dân gian thật rộn ràng. Tính đến ngày 1-2 (tức mồng 2 Tết Giáp Ngọ), trên địa bàn Hải Phòng không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Xuân mới về rạo rực, người dân Ðất Cảng thêm phấn khởi, tự tin bước vào năm mới trong niềm tin vào sự khởi đầu những thắng lợi mới.

* Ðêm giao thừa, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, hàng chục nghìn người tập trung tại Quảng trường Hồ Chí Minh tham gia chương trình "Ðêm hội Giao thừa" do UBND thành phố Vinh tổ chức, với nhiều tiết mục ca nhạc ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, đất nước; đằm thắm với chương trình dân ca xứ Nghệ. Sau đó người dân còn được thưởng thức màn pháo hoa đặc sắc. Tại các huyện miền núi, biên giới cũng diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của nhân dân các dân tộc thiểu số tổ chức trong đêm giao thừa và sang sáng mồng một và mồng hai Tết. Cùng chung vui với nhân dân các bản là các cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, tạo tình đoàn kết, gắn bó quân dân nơi biên giới.

* Tại Thừa Thiên - Huế, không khí đón Tết Giáp Ngọ rộn ràng, sắc hoa tràn ngập các tuyến phố. Trong đêm 30 Tết, hàng nghìn người dân đã xuống phố, nhất là tại Quảng trường Ngọ Môn - Huế, nơi diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt và màn pháo hoa đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời. Với chủ đề "Mừng Ðảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương đất nước, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương", chương trình nghệ thuật đêm giao thừa đã quy tụ gần 250 diễn viên, nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế và các CLB Võ Kinh Vạn An, Unitil, Centre. Trong ba ngày từ mồng một đến mồng ba Tết Giáp Ngọ, tất cả di tích thuộc quần thể di sản văn hóa Huế đều mở cửa miễn phí cho nhân dân và du khách đến tham quan.

* Tại TP Ðà Nẵng, các tuyến phố chính như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ðiện Biên Phủ, Trần Phú... được kết đèn hoa rực rỡ. Gần đến thời khắc giao thừa, hàng vạn người dân và du khách đổ về hai bờ sông Hàn để du xuân và xem bắn pháo hoa kéo dài 15 phút, mang đến một không khí rộn rã khi Tết đến, Xuân về. Thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... phục vụ nhân dân và du khách. Trong đó, có chương trình lớn biểu diễn nghệ thuật Mừng Ðảng - Ðón xuân đêm giao thừa tại bờ đông sông Hàn. Trong dịp này, trên địa bàn thành phố còn có các hoạt động chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ tại các quận, huyện do Trung tâm chiếu phim thành phố và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thực hiện.

Màn pháo hoa chào đón năm mới Giáp Ngọ bên bờ sông Hàn, TP Ðà Nẵng

* Cùng với cả nước, người dân Lâm Ðồng hân hoan chào đón năm mới trong tiết trời se lạnh đặc trưng miền cao nguyên. Ðêm ba mươi Tết, dòng người đổ về khu vực trung tâm thành phố và Quảng trường Lâm Viên, bên hồ Xuân Hương thơ mộng để cùng nhau chờ đón thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Phố núi lung linh, huyền ảo trong màn trình diễn pháo hoa và trở nên ấm áp hơn với hơi ấm tình người, cùng những lời chúc năm mới.

* TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ đặc sắc, trong đó nổi bật là Hội hoa xuân Giáp Ngọ tại khu tam giác Bãi Trước. Với chủ đề "Biển đảo dấu yêu", Hội Hoa xuân năm nay ở TP Vũng Tàu không chỉ là điểm dừng chân, thưởng ngoạn hấp dẫn của người dân địa phương và du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc, mà còn thể hiện tình cảm, lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cũng như gửi gắm tình cảm của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũng Tàu đến cán bộ, chiến sĩ và những người dân đang sống, chiến đấu và làm việc trên các đảo và quần đảo của Tổ quốc. Chị Nguyễn Hồng Minh, ở phường 5, TP Vũng Tàu, hồ hởi nhận xét: "Tôi quá ấn tượng với hình ảnh mô phỏng lá cờ Tổ quốc như con thuyền lớn trên biển, với cột mốc Trường Sa đang đương đầu cùng sóng dữ. Các nghệ nhân đã quá xuất sắc khi tạo ra những tác phẩm đẹp và giàu ý nghĩa đến vậy".

* Trong các ngày 30, mồng một, mồng hai Tết, hàng chục buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra sôi nổi, tưng bừng khắp nơi trong tỉnh Sóc Trăng. Tại thành phố Sóc Trăng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc của ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, trong đó múa hội lân - sư - rồng; võ thuật; trống hội; cờ trận là những tiết mục hoành tráng thu hút đông người xem. Hàng chục nghìn người từ các nơi đổ dồn về Công viên Bạch Ðằng, thành phố Sóc Trăng xem màn trình diễn bắn pháo hoa rực rỡ đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới.

* Những ngày Tết, tất cả những con đường của thành phố trẻ Cà Mau rực rỡ sắc mầu bởi đèn, cờ, khẩu hiệu, băng-rôn cùng với chợ hoa xuân: mai vàng, dưa hấu, cây cảnh khoe sắc... tràn ngập mọi nẻo đường. Tại Quảng trường Thanh thiếu niên, trên đường Trần Hưng Ðạo, nơi tổ chức Lễ hội ca múa nhạc và bắn pháo hoa đêm giao thừa là một sân khấu ngoài trời hoành tráng, rực rỡ ánh đèn lung linh đủ mầu sắc. Tết năm nay, tỉnh Cà Mau chủ trương và khuyến khích hướng các hoạt động vui Xuân, đón Tết về cơ sở, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

* Tết Giáp Ngọ đúng vào dịp TP Cần Thơ kỷ niệm 10 năm trực thuộc T.Ư nên có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng sự kiện quan trọng này. Từ chiều 30 Tết, người dân khắp nơi đổ về trung tâm thành phố tham gia các hoạt động đón giao thừa, mừng năm mới. Năm nay, TP Cần Thơ lần đầu tiên tổ chức chương trình Ðường hoa Nghệ thuật trên tuyến đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thái Học với gần 100 loại hoa, kiểng nhằm tái hiện quá trình phát triển TP Cần Thơ trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, chương trình ca múa nhạc "Thành phố Mười mùa hoa" tại Công viên Lưu Hữu Phước. Tết càng ý nghĩa, đầm ấm hơn khi Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức chương trình "Tết nghĩa tình", đồng thời trao 450 phần quà (mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng) tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động và cựu chiến binh ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ để mọi nhà đều có Tết...

Có thể bạn quan tâm