Rối nước Đào Thục trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Hà Nội có nhiều phường rối nước, nhưng nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) là di sản đầu tiên được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân phường rối nước Đào Thục giới thiệu với khách du lịch về nghệ thuật tạo hình quân rối.
Nghệ nhân phường rối nước Đào Thục giới thiệu với khách du lịch về nghệ thuật tạo hình quân rối.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 473/QĐ-BVTTTDL ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đào Thục là một ngôi làng cổ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km. Văn bia đình làng Đào Thục ghi lại, nghề múa rối nước ở làng có từ thời Lê Trung hưng, cách đây khoảng hơn 300 năm. Tổ nghề múa rối nước Đào Thục là ông Đào Đăng Khiêm, một người từng làm quan trong triều đình. Sau khi rời quan trường, ông về Đào Thục dạy nhân dân nghệ thuật múa rối nước. Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như mai một, nghề rối nước Đào Thục với tình yêu, trách nhiệm của các thế hệ nhân dân địa phương, đã được gìn giữ, bảo tồn hiệu quả, tạo thành thương hiệu vang xa.

Bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ, làng rối nước Đào Thục qua thời gian còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm, Huyền thoại Loa thành…, thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng. Không chỉ trực tiếp sáng tác các tích trò và biểu diễn, người Đào Thục còn đích thân làm ra những quân trò rối, từ chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên… đến gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… vô cùng sinh động và bắt mắt, trở thành nét riêng khó lẫn của nghệ thuật rối nước Đào Thục.

Đào Thục không chỉ là làng rối mà còn là “làng du lịch”. Cách đây gần 20 năm, trước sự sống còn của rối nước, các nghệ nhân tại đây quyết định chọn một hướng đi mới, thay vì mỗi năm chỉ diễn một đôi lần. Đó là chủ động động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá du lịch; đổi mới việc tổ chức biểu diễn nhằm phục vụ khách du lịch. Hiện nay, ngoài hoạt động biểu diễn phục vụ khách, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục còn tổ chức nhiều dịch vụ du lịch phụ trợ nên là địa chỉ du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Đó là lý do trong các làng rối của Hà Nội, rối nước Đào Thục là địa phương đầu tiên được đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.

Cùng với việc ban hành quyết định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa đối với di sản rối nước Đào Thục.