Rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế cho thấy, công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số cấp ủy trên địa bàn thành phố Hà Nội còn chậm, chưa phân công rõ người, rõ việc, chưa có lộ trình, giải pháp, rõ trách nhiệm giải quyết từng vụ việc khiếu kiện phức tạp. Ðiều này đòi hỏi các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc trách nhiệm và quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ðinh Tiến Dũng tiếp công dân Bùi Thị Thanh. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ðinh Tiến Dũng tiếp công dân Bùi Thị Thanh. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)

Ngày 24/7/2023, Ủy ban nhân dân thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) đã tổ chức tạm giao thửa đất trên thực địa cho bà Bùi Thị Thanh tại tổ dân phố Du Nghệ.

Hạn chế bức xúc không đáng có

Tại buổi nhận đất, bà Thanh xúc động bày tỏ sự cảm ơn đến các cấp, các ngành đã dành cho bà sự quan tâm đặc biệt không chỉ về vật chất mà còn cả sự động viên rất lớn về tinh thần để bà có động lực tiếp tục ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Trước đó, ngày 11/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng đã làm việc với bà Bùi Thị Thanh về đề nghị cấp đất ở cho gia đình, do gia đình bà là gia đình chính sách (vợ liệt sĩ) và gặp khó khăn về nhà ở (hiện không có nhà ở, phải ở nhờ). Sau khi trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và nghe ý kiến các bên liên quan, đồng chí Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cấp đất ở cho hộ gia đình chính sách như trường hợp gia đình bà Bùi Thị Thanh là chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước đối với người có công.

Bí thư Thành ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố, huyện Quốc Oai và các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện nhanh các thủ tục để giao đất cho gia đình bà Thanh trước ngày 27/7/2023.

Nhân vụ việc này, đồng chí Ðinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã rút kinh nghiệm, rà soát các vụ việc tương tự, nếu đủ điều kiện theo quy định pháp luật phải giải quyết ngay; không để kéo dài sáu năm như vụ việc này, gây bức xúc không đáng có cho công dân.

Ðây cũng là một trong nhiều kết quả Hà Nội đạt được trong việc thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Thành phố đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là việc xử lý, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp nhằm giữ vững an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Trong đó, trực tiếp đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Ðinh Tiến Dũng đã gương mẫu thực hiện nghiêm Quy định 11-QÐi/TW, thực hiện năm cuộc tiếp công dân, bốn cuộc đối thoại với hơn 33.000 người tham gia đối thoại. Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy đã ủy quyền cho Ban Nội chính Thành ủy tham mưu xử lý đơn thư, vụ việc; trong chín tháng năm 2023, đã tiếp 24 buổi với 62 lượt công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố; tiếp nhận đơn thư từ các nguồn gửi tới các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy đã tiếp nhận 4.251 đơn.

Theo Thành ủy Hà Nội, số vụ việc khiếu kiện đông người, đơn thư giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều vụ việc được giải quyết kịp thời, tránh được khiếu kiện, đơn thư vượt cấp. Về kết quả thực hiện đối với các vụ việc theo Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Thành ủy, qua rà soát, đến tháng 9/2023, còn 47 vụ việc (giảm sáu vụ so với năm 2022).

Trong đó có chín vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp cần tập trung giải quyết; 38 vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo của Thành ủy theo dõi, đôn đốc giải quyết. Các quận, huyện, thị ủy còn 65 vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, tồn đọng (giảm 13 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022).

Tạo đồng thuận từ cơ sở

Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội nhận định, trong công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở một số cấp ủy còn chậm, chưa phân công rõ người, rõ việc, chưa có lộ trình, giải pháp, rõ trách nhiệm giải quyết từng vụ việc khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài. Một số đơn vị quận, huyện còn để tồn tại các vụ việc, công tác chỉ đạo giải quyết trong một số vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn chưa quyết liệt, dẫn đến việc người dân tiếp tục gửi đơn thư.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Ðức cho rằng, Bí thư cấp ủy các cấp trước hết phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, đối thoại định kỳ theo đúng quy định; đặc biệt, sau tiếp công dân và đối thoại phải có kết luận cụ thể, rõ ràng gắn với tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.

Muốn vậy, Bí thư cấp ủy cần nhận thức sâu sắc nội dung căn bản của Quy định 11-QÐi/TW đồng thời tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong tập thể cấp ủy và tổ chức đảng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, nhầm lẫn với các nội dung tiếp dân, giải quyết đơn thư của khối chính quyền.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với lãnh đạo các địa phương mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với người dân để tiếp nhận thông tin, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tạo đồng thuận từ cơ sở.