Tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới Intel vừa đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam và đến cuối tuần này, chủ tịch tập đoàn Microsoft sẽ tới thăm, nhưng ngành công nghiệp công nghệ thông tin (IT) của quốc gia Đông Nam Á này còn một chặng đường rất dài phải vượt qua.
Các nhà phân tích kinh doanh nói rằng đây là lần thứ hai trong mười năm qua, hàng loạt các tập đoàn công nghiệp và dịch vụ nước ngoài, trong đó có cả các hãng IT, quan tâm tới lực lượng lao động trẻ, có trình độ cao của Việt Nam.
Nhưng ông Myron Brilliant, phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo: "Đừng dựa vào một hay hai thông báo để dự đoán về vị thế của Việt Nam. Trên thế giới và trong khu vực cũng có vô số các đối thủ cạnh tranh khác".
Tuy nhiên, vẫn có nhiều dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng của quốc gia với 1/4 trong tổng số 83 triệu dân có độ tuổi từ 14 đến 25 này.
Theo ước tính của Chính phủ Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người của nước này chỉ đạt khoảng 640 USD, nhưng các doanh nghiệp, các nhà ngoại giao và các nhà tài trợ nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng của một nền kinh tế có tốc độ phát triển đạt tới 8,4% vào năm 2005. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng trong vòng năm năm tới từ 7,5 tới 8%.
Vào tháng 2, tập đoàn Intel đã công bố việc sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm các sản phẩm vi xử lý trị giá 605 triệu USD tại TP Hồ Chí Minh, là khoản đầu tư về công nghệ lớn nhất cho đến nay tại Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội tràn ngập các doanh nghiệp IT nhỏ, bao gồm cả các công ty dịch vụ máy tính và các quán cafe Internet. Còn tại TP Hồ Chí Minh cũng có hẳn một Công viên Phần mềm.
Chủ tịch Microsoft, ông Bill Gates, dự kiến có chuyến thăm kéo dài một ngày tới Việt Nam vào ngày thứ bảy này. Lịch làm việc của ông sẽ có một cuộc đối thoại trực tuyến với các sinh viên và một chuyến thăm tỉnh Bắc Ninh để chứng kiến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các vùng nông thôn.
Ông B. Gates sẽ được Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch nước Trần Đức Lương đón tiếp, dù cho chuyến thăm của ông trùng với thời điểm đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
Trong lễ khai mạc Đại hội ngày 18-4, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói về tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ thông tin đối với Việt Nam. Ông nói rằng "Phấn đấu đến năm 2010, năng lực khoa học và công nghệ nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực quan trọng" và "phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới".
Việt Nam còn muốn thu hút những nhân tài trong số ba triệu Việt kiều để hỗ trợ cho hơn 600 công ty phần mềm trong nước hiện nay. Những công ty này hiện có khoảng 15.000 nhân viên, chủ yếu là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, so với 170 công ty với 5.000 nhân viên hồi năm 1999.
Các nhà phân tích cho rằng, hướng đi của Việt Nam cũng tương tự như của Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan nhưng lại thiếu các kỹ năng lập trình và nền giáo dục cao cấp. Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Philippines và Bangladesh, những nơi cũng có giá nhân công rẻ.
Thống kê của Chính phủ Việt Nam cho thấy tổng giá trị của ngành phần mềm và các dịch vụ IT của nước này trong năm 2005 đạt 170 triệu USD với mức tăng trưởng 40%. Giá trị xuất khẩu trong năm ngoái đạt 45 triệu USD.
Trưởng đại diện Microsoft tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin. Vấn đề quan trọng là làm sao để đánh thức tiềm năng đó và tìm ra những hướng đi tốt nhất".
Trong đó, giáo dục cũng được coi là một chìa khóa.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nói: "Trung Quốc đã có sự đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển, nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được như vậy. Họ cần phải liên kết tốt hơn nền giáo dục đại học với cộng đồng các doanh nghiệp.
Một số biện pháp đã được đưa ra theo hướng này.
FPT, công ty tin học lớn nhất Việt Nam, đã có kế hoạch lập một trường đại học dân lập để đào tạo các nhân viên phần mềm và phát triển các kỹ năng ngoại ngữ cho các nhân viên này. Trong tuần này, tập đoàn Cisco và trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã hợp tác mở một phòng thí nghiệm công nghệ mạng.
Còn các tập đoàn như IBM, Hewlett-Packard, Microsoft và Intel đều đã mở các văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hồi tháng 3, Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã đưa ra một bản báo cáo cho biết: "Lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn nếu nói về mặt quy mô và hoạt động với thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt các lập trình viên giỏi".