Rằm tháng Giêng trong dòng chảy văn hóa Việt

NDO -

Từ bao đời nay, sau ngày mùng 7 Tết Nguyên Đán, mọi tầng lớp nhân dân người Việt đều quay trở lại công việc của mình sau những ngày vui xuân, đến mùng 10 thì coi như hết Tết. 

Ngày rằm tháng Giêng đã không chỉ còn là một ngày lễ, mà trở thành một phong tục không thể thiếu của văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Minh Duy)
Ngày rằm tháng Giêng đã không chỉ còn là một ngày lễ, mà trở thành một phong tục không thể thiếu của văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Minh Duy)

Đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, người dân lại hoan hỷ vui mừng, đến chùa dâng hương cúng Phật, sắp lễ tại bàn thờ gia tiên để cầu gia đạo bình an và may mắn. Không khí của ngày rằm tháng giêng này thật không khác gì những ngày còn trong Tết, là một điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Ý nghĩa gốc ngày rằm tháng Giêng trong Phật giáo 

Rằm tháng giêng là một ngày lễ quan trọng của người Việt, đặc biệt là người theo Phật giáo. Cứ vào ngày này, người ta lại sắp lễ đến chùa để cúng dường, cầu mong sự may mắn, bình an. Rằm tháng Giêng có thể được xem như sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa bản địa của người Việt, tạo nên một nét văn hóa độc đáo. Thế nhưng, ít ai biết được ý nghĩa thật sự của ngày rằm quan trọng này trong đạo Phật.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Theo truyền thống Phật giáo, đặc biệt là các nước Phật giáo Nam truyền, ngày rằm tháng Giêng là ngày tụ hội của 1.250 vị Thánh Tăng tại Tịnh xá Trúc Lâm nên còn được gọi là ngày Đại hội Thánh Tăng. Trong ngày này, Đức Phật đã kêu gọi các đệ tử nhập thế để phụng sự nhân sinh vì mục đích mang lại phúc lợi số đông và an lạc nhân loại. Nên ngày này, cộng đồng Phật giáo thế giới sẽ hội họp lại để nhắc nhở nhau và cam kết sẽ làm theo lời Phật, phụng sự nhân sinh và sống tốt đời đẹp đạo.”

Rằm tháng Giêng trong dòng chảy văn hóa Việt -0
 Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Sự tiếp biến của mạch nguồn văn hóa

Tại Việt Nam, ngày rằm tháng Giêng không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc Phật giáo, ngày lễ này còn có sự giao thoa với Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa. Vậy nên, ngày rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, nghĩa là đêm trăng tròn đầu tiên của năm. Trong ngày này, người dân dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng có được mâm lễ đến các chùa, phủ, đền, miếu… để cầu nguyện gia đạo bình an, yên vui, may mắn. 

Đối với văn hóa dân gian Việt Nam, người dân thường có cả mâm lễ chay lẫn mặn, trước cúng trời đất, gia tiên, sau thì thụ lộc. Ngày lễ này còn là dịp để gia đình quây quần bên nhau, chúc tụng những điều may mắn. Câu nói “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” cũng là từ văn hóa dân gian mà ra. 

Còn với tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa, năm nào cũng vậy, người dân sẽ đến các đền, phủ. Dưới ban thờ, người dân đất Việt gửi những lời cầu nguyện của mình vào làn khói hương trầm ẩn hiện để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, ấm no, hạnh phúc.

Rằm tháng Giêng trong dòng chảy văn hóa Việt -0
Nhiều người trẻ trong ngày Rằm tháng Giêng cũng đi cầu nguyện bình an, công danh, sự nghiệp. (Ảnh: Minh Duy) 

Dù là ở trong tôn giáo, truyền thống hay tín ngưỡng nào, việc giữ được nét văn hóa truyền thống luôn là điều đáng phát huy và gìn giữ. Với tinh thần dân tộc của người dân Việt, những lời cầu nguyện luôn hướng tới con người, quê hương, đất nước rồi mới đến những lời cầu nguyện cá nhân. Sự tiếp biến văn hóa này là một nét đặc sắc mà không phải nơi nào cũng có được.

Ngày rằm an toàn, đất nước bình yên

Cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, trong ngày này, Đức Phật cũng dạy các đệ tử phải nhận thức được ba trụ cột của đạo đức học Phật giáo. Đó là nhận thức được tác hại của lối sống buông thả, vi phạm luật pháp, phải cam kết không vi phạm những điều luật pháp không cho phép, cũng như lương tâm và nhân cách.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, việc đến các cơ sở thờ tự không phải là dễ dàng. Đối với các khu vực là vùng xanh, người dân có thể đến các chùa để hành hương, tuy nhiên cần phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với những khu vực là vùng đỏ, không cần phải quá đặt nặng chuyện đến chùa mà nên chuyên tâm cách ly y tế, bảo đảm sức khỏe. 

Rằm tháng Giêng trong dòng chảy văn hóa Việt -0
 Người dân Hà Nội đi lễ Phật du xuân vẫn bảo đảm thực hiện tốt các quy định 5K phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Minh Duy)