KCN Sông Công 2 được triển khai xây dựng từ năm 2018, đến nay vẫn đang tiếp tục san ủi tạo mặt bằng để xây dựng kết cấu hạ tầng.
Để có mặt bằng xây dựng hạ tầng, nhiều tháng qua, lợi dụng việc san ủi đồi, núi tạo mặt bằng, lượng đất rất lớn được vận chuyển sang tỉnh Bắc Giang, TP Hà Nội bán làm vật liệu san lấp với giá hàng trăm nghìn đồng mỗi khối.
Lần nào đến công trường xây dựng KCN Sông Công 2, chúng tôi cũng thấy từng đoàn xe tải cỡ lớn chất đầy đất chở ra bên ngoài bán làm vật liệu san lấp.
Năm 2019 đất ở đây được vận chuyển sang huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bán; từ đầu năm 2020 đến nay, từng đoàn ô-tô trọng tải rất lớn chở đất từ KCN Sông Công 2 qua quốc lộ 3 sang bán tại các địa phương giáp danh thuộc TP Hà Nội.
Do không phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính nên đất được vận chuyển từ KCN Sông Công 2 đi bán có giá thấp hơn so với giá đất của các mỏ được cấp phép khai thác trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Có thời điểm, lượng đất ở KCN Sông Công 2 được chở sang huyện Hiệp Hòa bán nhiều đến mức các mỏ đất trên địa bàn huyện Phú Bình không thể cạnh tranh được.
Hiện nay, từng đoàn xe tải cỡ lớn lặc lè chở đầy đất vẫn ngang nhiên vận chuyển từ KCN Sông Công 2 đi bán kiếm lợi, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và hư hỏng đường giao thông làm dư luận bức xúc.
Một người dân được đề nghị giấu tên ở ngay bên cạnh đường vào KCN Sông Công 2 bức xúc: “Hằng ngày, từ sáng đến tối, hàng đoàn ô-tô rầm rập chất đầy đất chở đi bán gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường trước sự làm ngơ của các cơ quan chức năng”.
Giữa tuần vừa qua, khi thấy phóng viên đến ghi hình vận chuyển đất tại KCN Sông Công 2, lập tức từng đoàn xe tải chở đầy đất “nằm im” hoặc tản ra các ngả đường trong KCN. Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị UBND TP Sông Công kiểm tra việc vận chuyển, sử dụng đất ở KCN Sông Công 2.
Theo quy định, đất làm vật liệu là khoáng sản, trong quá trình xây dựng công trình nếu phát hiện, sử dụng khoáng sản thì phải báo cáo cơ quan chức năng; cấp phép khai thác mỏ đất cũng phải tuân thủ đúng quy trình như đối với các loại khoáng sản khác. Trong phạm vi KCN Sông Công 2, lượng đất san ủi từ đồi, núi được sử dụng san lấp tại chỗ, nếu thừa thì phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền mới được vận chuyển ra bên ngoài.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm cơ quan liên quan đối với việc vận chuyển đất ra bên ngoài bán khi chưa được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, hoặc chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.