Rắc rối quanh chuyện trả tiền tác quyền cho nhà văn Vũ Trọng Phụng

Bìa của DVD phim “Bẫy tình” do Vietfilm sản xuất dựa theo các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Bìa của DVD phim “Bẫy tình” do Vietfilm sản xuất dựa theo các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn của Việt Nam. Tuy chết ở tuổi quá trẻ nhưng ông đã để lại cho hậu thế một di sản văn học đồ sộ, đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà. Do những biến động về lịch sử, trong một thời gian dài những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã không được sử dụng. Mãi đến năm 1989, những tác phẩm này mới được sử dụng lại và được dư luận đánh giá rất cao.

Theo Nghị định 142 của HĐBT ra ngày 14-11-1986 quy định về quyền tác giả thì những tác phẩm của những tác giả đã mất sau 30 năm sẽ trở thành tài sản công cộng. Tuy nhiên sau đó bà Vũ Mỵ Hằng - con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã có đơn gửi Bộ Văn hóa, Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam xin được hưởng quyền gia hạn thêm 30 năm nhằm có điều kiện chăm lo hương khói, mộ phần cho nhà văn.

Sau khi xem xét, Hãng Bảo hộ tác quyền đã thống nhất với Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hóa chấp thuận ý kiến này và đã đăng ký bảo hộ tác quyền cho 28 tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ ngày 9-11-1989. Từ đó cho đến nay, hầu hết các nhà xuất bản, hãng phim, hãng kịch đều nghiêm túc thực hiện trả nhuận bút đầy đủ cho gia đình nhà văn.

Nhưng thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh đã có hai đơn vị sử dụng các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng để chuyển thể thành kịch và phim và chưa hề trả nhuận bút cho gia đình nhà văn. Cụ thể, tại sân khấu Phú Nhuận đã chuyển thể tác phẩm “Số đỏ” thành kịch và trình diễn trong suốt hơn hai năm qua. Và trong kế hoạch, sân khấu Phú Nhuận sẽ thực hiện tiếp hai vở kịch chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng là “Làm đĩ” và “Kỹ nghệ lấy Tây”.

Còn Hãng Vietfilm thì năm 2004 đã sản xuất bộ phim truyện “Bẫy tình” dựa vào hai tác phẩm “Làm đĩ” và “Lục xì”. Và dĩ nhiên, cả hai nơi này đều chưa trả tiền tác quyền một đồng nào.

Ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng và là người được ủy quyền thừa kế tác quyền các tác phẩm của nhà văn cho biết: “Từ trước tới nay, các đơn vị sản xuất như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh, Hãng phim Giải phóng rồi nhiều nhà xuất bản khi sử dụng các tác phẩm đều trả tiền tác quyền rất đầy đủ. Cuốn sách “Số đỏ” do tiến sĩ người Mỹ Peter Zinoman dịch ra tiếng Anh khi xuất bản cũng đều gửi nhuận bút đều đặn. Chính vì thế, tôi không hiểu tại sao hai đơn vị trên lại không trả tiền?”.

Trao đổi với chúng tôi, đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng: “Quả thật chúng tôi là người có lỗi khi dàn dựng bộ phim Bẫy tình mà chưa giải quyết việc bản quyền. Sau khi bàn bạc, chúng tôi đã thống nhất sẽ trả tiền bản quyền của bộ phim và xin lỗi gia đình”.

Ngay trong buổi sáng ngày 12-5, đạo diễn Lê Cung Bắc thay mặt Hãng VietFilm trao tiền tác quyền cho ông Nghiêm.

Còn tại sân khấu Phú Nhuận - Ông Lê Chí Trung, tác giả kịch bản “Số đỏ” cho rằng: “Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn cho rằng nhà văn Vũ Trọng Phụng đã mất được gần 70 năm thì có nghĩa tác phẩm của nhà văn trở thành tài sản chung, vì thế chúng tôi không để ý tới chuyện tác quyền. Nay nếu có chuyện gia hạn những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì chúng tôi sẽ trả đầy đủ”.

Ông Lê Chí Trung cũng cho rằng trước đây cũng đã có người tự xưng là người nhà của nhà văn Vũ Trọng Phụng đến xin vé để đi xem vở “Số đỏ” và nghệ sĩ Hồng Văn cũng giải quyết. Tuy nhiên - ông Trung khẳng định: Người tới nhận tiền tác quyền phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh là người thừa kế hợp pháp của nhà văn Vũ Trọng Phụng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng, người được ủy quyền thừa kế cho rằng: “Chúng tôi chỉ mong các đơn vị sớm giải quyết để chúng tôi kịp triển khai xây dựng nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng ở quê nhà”.