Cách đây tròn 10 năm, năm 2013, Trịnh Minh Hiếu ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013). Tròn một năm sau, chị lại cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai mang tên “Thúy Mầu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014). Hai tập truyện ngắn có cá tính riêng của chị ngày ấy khuấy động làng văn chương không ít.
Tập truyện ngắn “Giấc cỏ dụ” là tác phẩm mới nhất của Trịnh Minh Hiếu mới xuất bản trong năm nay. Tập truyện bao gồm 15 truyện ngắn, mở đầu là “Độc thân”, và cuối tập là truyện “Ngày Covid”… Cũng có cái gì khang khác hai tập trước, khi bìa sách rực rỡ hơn, gợi cảm hơn và văn chương bên trong cũng sắc sảo, mê đắm hơn.
Một nhà văn lão luyện trong nghề đã nhận xét về tập truyện mới của Trịnh Minh Hiếu: Khác với những tập truyện trước dựa chủ yếu vào cảm hứng, lần này tác giả Trịnh Minh Hiếu có ý thức rõ ràng trong dựng truyện, tức là muốn nâng tầm mình lên thành người phát ngôn, ít ra cũng là phát ngôn cho một lớp người cùng thời…
Đọc những truyện trong tập đều dễ nhận thấy là tác giả tiếp tục định hình cho mình một giọng điệu, thứ mới chỉ manh nha ở những tác phẩm trước đây. Điều này luôn là quan trọng với bất cứ người cầm bút nào. Có giọng văn riêng, thứ giọng hơi phớt đời, có xu hướng trào lộng, là chuyện không phải cứ muốn là được.
Cũng nhà văn này nhận xét: Trong làng văn, Trịnh Minh Hiếu là người khiêm tốn hiếm thấy. Chị ít khi xuất hiện trước đám đông trong tư cách một tác giả, mà luôn với tư cách độc giả. Hiền lành, hóm hỉnh, tốt bụng, chị cứ thản nhiên sống, và lặng lẽ quan sát, cóp nhặt những chi tiết đời sống góp lại làm vốn... Bỏ lại phía sau mọi lời khen chê, chị chỉ cặm cụi sống với những kiếp người lầm lụi, bị lãng quên, bị gạt ra lề để tìm cho họ một khuôn mặt, một tính cách, một nhân cách, một tiếng nói, một thân phận…
Tôi và Trịnh Minh Hiếu cùng là đồng môn Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị học Đại học Sư phạm Xuân Hòa. Sau về làm Thạc sĩ ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ thời sinh viên hay khi về Hà Nội làm luận văn thạc sĩ, Hiếu đã rất lành hiền và kín đáo, tinh tế.
Phong cách văn chương Trịnh Minh Hiếu khá đa dạng, nhiều cảm xúc và suy ngẫm về cuộc đời, sắc sảo và tinh tế, khi tai quái, nhưng cũng có khi như ngọn lửa sưởi ấm lòng người. Ngay từ thời sinh viên, dù học sư phạm, nhưng chúng tôi luôn hiểu chị là gái Bắc Ninh miền quan họ, lại sinh trưởng trong một gia đình nho nhã văn chương, thế nào rồi cũng có lúc cầm bút, và hẳn cái sự “đa tình đa cảm đa đoan” này chắc chắn sẽ ám vào văn chương.
Tập truyện ngắn mới ra mắt của Trịnh Minh Hiếu. |
Là tôi cảm nhận từ ngày ấy như thế, chứ cũng chưa thấy hiện rõ ra qua các trang sách của Trịnh Minh Hiếu. Đến nay, cô gái hiền lành dạo ấy lại có những dòng văn sắc sảo quá đỗi, lột tả các vấn đề xã hội và cuộc đời, nhất là với giới trọc phú trưởng giả học làm sang ngày nay, chẳng mấy ngại ngần như khi Hiếu viết truyện ngắn “Chuyện thời thế” luận bàn về tiền bạc, về cái danh, cái lợi.
Tuy thế, đọc thiên truyện “Độc thân” của Hiếu trong tập sách, lại thấy tấm lòng ấm áp, giàu tính nhân văn. Không phải bỗng nhiên mục “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam đã chọn đọc truyện này, nhiều thư của bạn nghe đài trong nước và ngoài nước gửi về khen ngợi lắm.
Một phong cách viết khác hẳn, ấm áp và giàu cảm xúc. Chứng tỏ Trịnh Minh Hiếu có bút pháp khá đa dạng, nhiều cảm xúc và suy ngẫm về cuộc đời rất sắc sảo nhưng cũng rất tinh tế, có lúc sâu cay, nhưng có khi lại như ngọn lửa sưởi ấm lòng người...
Với tập truyện ngắn “Giấc cỏ dụ”, Trịnh Minh Hiếu đã thể hiện rõ một phong cách văn chương tinh tế mà không kém phần gai góc trong đề cập ở từng vấn đề được đào xới, lật rõ bản chất.