“Người bán nụ cười” là cách mọi người hay gọi nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, bởi phong cách viết trào phúng của ông đã định hình trong tâm trí bạn đọc Báo Tuổi Trẻ Cười với những cái tên nhân vật đạt độ điển hình: Hai Cù Nèo, Điệp viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ, Hoa hậu phường Cây Mít, Linda Kiều…
Tiếp theo tập “Chuyện chán phèo”, hai tập sách trào phúng “Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ”; “Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng” được tác giả xâu chuỗi, bổ sung đầy đặn sau mấy chục năm vừa làm công việc tổ chức bài vở, vừa là cây bút chủ lực trên các chuyên mục được bạn đọc Tuổi Trẻ Cười đón đợi.
Có thể nói, 34 mẩu chuyện trong tập “Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ” cùng 36 mẩu chuyện trong tập “Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng” đều mang dáng dấp các “thói hư tật xấu” của một ai đó trong cuộc đời này.
Nếu như ở “Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ”, người đọc bật ngửa và phì cười vì những tình huống “phá án” trong “Đường dây phim sex”, “Nghiệp vụ ngửi mùi hương”, “Điệp vụ mò đường”, “Lộ tẩy”, “Nhà sưu tập tranh”…; thì đến “Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng”, ngòi bút trào phúng và duyên dáng của Lê Văn Nghĩa cho chúng ta thấy những màn “nhập đồng”, làm ra “thơ thần” chỉ toàn là trò lừa, chiêu đánh bóng bản thân qua “Ai là nhân tài?”, “Đấu giá chữ ký”, “Thần chú”, “Những người không thích đùa”, “‘Mê tốt’ mới”…
Mạch trào phúng của Lê Văn Nghĩa khắc dấu ấn mấy chục năm qua bằng sự ra đời, “phá án” của điệp viên Không Không Thấy. Nhân vật này lừng danh đến độ được chuyển thể, mượn tên thành nhân vật trong bộ phim do danh hài Mr Bean thủ diễn chiếu khắp các rạp tại Việt Nam mà “quên” xin phép “cha đẻ” của nó.
Cũng may Lê Văn Nghĩa nói: “Thây kệ nó!” bằng đúng giọng trào phúng và sự vị tha của cây bút làng cười. Với tính cách đó, văn phong đó, hóa ra, ông nhà văn có cái “mặt sầu” Lê Văn Nghĩa không chỉ là “người bán nụ cười”, mà ông còn “cho không nụ cười”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20/5/1953 tại tỉnh Chợ Lớn. Ông thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước năm 1975. Ông từng xuống đường lãnh đạo thanh niên, học sinh đấu tranh trực diện với cảnh sát, từng bị bắt, trải qua một số nhà tù giam của chế độ Việt Nam Cộng hòa, kể cả ở Côn Đảo.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ làm báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ, cùng với làng báo TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ góp phần xây dựng đời sống mới. Ông làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến năm 2015. Ông vừa qua đời lúc 22 giờ 25 phút ngày 25/7, sau thời gian bệnh nặng.
Trong thời gian chống chọi với bạo bệnh, ông vẫn cố gắng để hoàn thành bản thảo và cùng với NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho ra được 2 tác phẩm cuối cùng này để gửi đến bạn đọc như một lời chia tay khi ông "rời xa cõi tạm".