Ra mắt cuốn sách “Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ lục tỉnh”

NDO - Nhà xuất bản Trẻ vừa cho ra mắt cuốn sách “Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ lục tỉnh” của học giả Nguyễn Đình Đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa cuốn "“Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ lục tỉnh” của học giả Nguyễn Đình Đầu.
Bìa cuốn "“Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ lục tỉnh” của học giả Nguyễn Đình Đầu.

Cuốn sách được đánh giá là một công trình nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam Kỳ lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân người Việt bắt đầu vào khai phá, cho đến năm 1860 khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất này. Tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu trong quá trình nghiên cứu: tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam Kỳ.

Cuốn sách gồm 3 phần. Trong đó phần 1, tác giả nói về Lịch sử khẩn hoang lập ấp và chế độ sở hữu ruộng đất tại Đồng Nai-Gia Định (thời kỳ 1698-1800). Trong phần này, tác giả nói về những người Việt đầu tiên tới khai hoang Đồng Nai-Gia Định (giai đoạn 1594-1698), chính quyền được thành lập dần từ 1698 đến 1757 tại khắp Nam Kỳ và cung cách khẩn hoang lập ấp, chế độ điền thổ dưới thời chúa Nguyễn.

Phần 2 nói về Chế độ công điền công thổ được củng cố tại Nam Kỳ lục tỉnh (thời kỳ 1800-1860). Trong phần này, tác giả đi sâu vào cách nhà nước thời bấy giờ là nhà Nguyễn tham gia khai hoang, tạo điều kiện phát sinh chế độ công điền công thổ (giai đoạn 1800-1836), đến thiết lập chế độ công điền công thổ (giai đoạn 1836-1850), củng cố công điền công thổ bằng đồn điền (giai đoạn 1850-1860) và phỏng tính tỷ lệ công điền công thổ ở Nam Kỳ trước khi bị Pháp thống trị.

Trong phần kết luận, tác giả Nguyễn Đình Đầu định nghĩa một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất về chế độ công điền công thổ, các nguồn gốc của công điền công thổ ở Nam Kỳ và cho người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của công điền công thổ. Tác giả cũng có thêm phần phụ lục với những chú thích về lính đồn điền, những ghi chú về dân số, ruộng đất và cả mẫu điền bạ ngày xưa.

Tác giả Nguyễn Đình Đầu đã dày công nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn tài liệu quý để viết nên cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh.

Bằng cách viết đơn giản, dễ hiểu, có số liệu, bản đồ cụ thể, tác giả đã cho người đọc thấy được toàn cảnh của chế độ công điền công thổ ở Nam Bộ vào thời khẩn hoang lập ấp.

Do vấn đề công điền công thổ ở Nam Bộ chưa được nghiên cứu có hệ thống, chỉ mới được lướt qua, nên cuốn sách này có mục đích trước hết là tổng hợp, cung cấp thêm cho độc giả một số tư liệu tuy không phải phát hiện đột phá nhưng dễ bị lãng quên về tình hình công điền công thổ ở Nam Bộ.

Ngoài ra, cuốn sách có nhiều thông tin hữu ích cho những ai đang nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ cũng như tìm hiểu về chế độ công điền công thổ ngày xưa. Sách cũng phù hợp cho những học sinh, sinh viên và giáo viên để có thể có thêm nguồn tài liệu quý giá trong việc học tập và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nước nhà.