40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu: Điều chúng tôi mong đợi

Được gọi là bên thứ ba, nhóm trí thức dân tộc sống và làm việc trong chế độ Việt Nam Cộng hòa đã có những đóng góp không nhỏ để ngày non sông liền một dải được gần lại. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, đã dành cho PV Báo Nhân Dân cuối tuần cuộc trò chuyện chân thành và cởi mở...

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu và con gái.
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu và con gái.

Mong muốn độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...

- Thưa nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, là người trong cuộc, ông có thể nói về thành phần thứ ba đó?

- Sau Hiệp định Pa-ri (Paris) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 thì tình hình Việt Nam lúc đó tạm gọi có ba thành phần. Một, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; hai, chính quyền Việt Nam Cộng hòa; và ba, những người muốn độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Như vậy là cả ba thành phần đều giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam.

Thật ra thì thành phần thứ ba này rất đông. Tôi tham gia nhóm trí thức thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam năm 1954 rồi Hiệp định Pa-ri (1973). Nhóm hình thành tại Sài Gòn hồi năm 1955 với tác phong rộng rãi để ai nấy tự do hoạt động xã hội -chính trị - tín ngưỡng - nghề nghiệp riêng của mình. Nhóm gồm các bạn luật sư (LS) Vũ Văn Hiền, LS Nguyễn Văn Huyền, tiến sĩ Âu Trường Thanh, chuyên viên ngân hàng Nguyễn Văn Diệp, GS Lý Chánh Trung, GS Nguyễn Văn Trung, LS Trần Văn Tuyên... Tôi giữ liên lạc với hai ông Nguyễn Mạnh Hà và Hoàng Xuân Hãn - người cùng lập trường, đang lưu trú ở Pháp.

- Hoạt động này là công khai hay bí mật, thưa ông?

- Thú thật, tôi chắc những anh em Việt Cộng không biết tôi là ai mà những anh em trong chính quyền quốc gia cũng như Việt Nam Cộng hòa cũng không biết tôi là ai. Tôi chỉ là người công giáo, tạm thời là một người công giáo tốt, gắn bó với công giáo từ xưa đến nay qua các giai đoạn lịch sử của mình. Thành thực mà nói, cũng như anh em đều thấy, yếu tố công giáo không có vai trò gì lớn trong chuyện chiến tranh - hòa bình ở Việt Nam. Đến ngày cuối cùng tôi có tham dự vào việc đi vào Trại Đa-vít.

- Ông có nhắc đến luật sư Nguyễn Văn Huyền trong nhiều bài viết?

- Sau Mậu Thân 1968, nhận thấy tình hình cũng như thông điệp của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đưa thông điệp đề nghị các bên lâm chiến vào bàn hội nghị, theo đó chúng tôi bàn với nhau cũng phải đóng góp vào chuyện đó thế nào? Đến cuối cùng của cuộc chiến, còn hai ngày nữa, ông Dương Văn Minh lập chính phủ gồm Minh, Huyền, Mẫu.

Chính phủ của ông Dương Văn Minh ai cũng biết, ông Minh là quân đội, thế thì cần hai đại biểu của hai tôn giáo: một ông công giáo và một ông phật giáo. Với ông Huyền, mọi người đều biết là một người hiền lành. Không biết tại sao ông lại là Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm? Tôi hỏi ông ấy, ông đặc trách hòa đàm mà ông đã có cách gì để hòa đàm chưa? Ông nói, chưa. Tôi bảo, thế thì anh cứ đi vào Trại Đa-vít để xem tình hình thế nào? Bởi vì chính phủ Dương Văn Minh thành lập lúc bấy giờ là chỉ để thi hành Hiệp định Pa-ri.

- Ở một khía cạnh nào đó, giữa các ông có những sự hiểu nhau, tương tác hoạt động cùng nhau không?

- Có lẽ về phương diện luật pháp, ông Huyền là người rất tinh tường, điều khiển phiên họp quốc hội hay thượng viện thì rất đàng hoàng. Ngày 29-4-1975, lúc đó là 6 giờ 30 phút sáng, tôi đi tìm Nguyễn Văn Huyền vừa được Tổng thống Dương Văn Minh mời làm Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm. Ông Huyền đang họp với liên danh thượng nghị sĩ Bông Huệ tại nhà La Thành Nghệ ở Công trường quốc tế (Hồ Con Rùa). Hỏi đã liên lạc với bên kia chưa, ông đáp: chưa, và yêu cầu tôi tiếp xúc với Trại Đa-vít thương lượng việc ngưng bắn, nếu có thể. Tôi nói sẽ đi với Nguyễn Văn Diệp - tổng trưởng kinh tế thương mại, mà tôi ngờ ông Diệp là người của bên kia. Vậy xin báo ngay với Dương Văn Minh là chúng tôi thi hành một nhiệm vụ chính thức, cốt để tránh tình trạng vô chính phủ, đập phá cướp bóc, chém giết trả thù, di tản hỗn loạn...

Chuyến đi không thành công, nhưng...

- Ông có thể nói về chuyến đi vào trại Đa-vít?

- Với tư cách Tổng trưởng, ông Diệp khéo léo điều đình ngừng bắn với phái đoàn quân sự bên kia! Tại cuộc gặp, ông Diệp giới thiệu là trưởng đoàn đại diện cho Nguyễn Văn Huyền - Phó Tổng thống phụ trách hòa đàm. Đầu (tôi - Nguyễn Đình Đầu) phó đoàn đại diện cho Tổng thống Dương Văn Minh. Hạnh và Cang (Nguyễn Văn Hạnh - nhà tư sản dân tộc, Tô Văn Cang - tổ chức tình báo chiến lược) là thành viên đoàn! Ông Diệp sáng chế như vậy mà không kịp hội ý các thành viên đoàn. Đoàn chúng tôi xin thông báo chính phủ Dương Văn Minh - Nguyễn Văn Huyền xin xem xét ngay việc ngưng bắn. Đại úy Tài xin vào trong lấy chỉ thị, lúc ấy đã 12 giờ trưa... Mươi phút sau, đại úy Tài đem ra một mảnh giấy nhỏ bằng ba ngón tay, viết đại ý hai điều: Phái đoàn quân sự của CPCMLTCHMNVN (viết tắt - Chính phủ của Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) không có chức năng đàm phán hay điều đình; chính quyền Sài Gòn hãy chấp nhận thi hành bản tuyên bố ngày 26-4-1975 của MTGPDTMNVN (viết tắt -Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam). Đại úy Tài yêu cầu tôi chép lại nội dung rồi lấy lại tờ giấy nhỏ ấy. Tài nói thêm, guồng máy quân sự đã chuyển động mạnh, khó ra lệnh ngưng chiến tức khắc, Sài Gòn nên chấp nhận tuyên bố 26-4-1975 của MTGP càng sớm càng tốt, nếu có thể nên trước 4 giờ (tức là 5 giờ - giờ Sài Gòn).

- Và tất yếu của lịch sử đã đến, hay vẫn giằng co?

- Ra khỏi trại Đa-vít, thấy trong chòi canh có điện thoại, tôi liền gọi ông Huyền báo cáo tình hình. Ông yêu cầu làm lời tuyên bố chấp nhận điều kiện của MTGP ra ngày 26-4-1975, tuy chưa biết đó là điều gì (sau này mới hiểu đó là quân đội phải giải giới, chính quyền giải thể).

Sau khi đưa Cang, Hạnh về, tôi về nhà ông Diệp, cơm nước qua loa rồi cùng nhau soạn thảo bài tuyên bố cho ông Huyền với tư cách Phó Tổng thống hòa đàm. Khoảng 16 giờ 30 phút, văn kiện làm xong, đánh ra bốn bản, ông Diệp giữ một, tôi giữ một làm tư liệu. Lấy xe riêng, tôi mang đến ông Huyền, ông coi vội rồi đem đến ông Dương Văn Minh thông qua, xong tới Đài phát thanh ghi âm, phát sóng.

Đó là cuộc chấp nhận hoàn toàn.

17 giờ, đài phát đi bản tuyên bố và còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Dù vậy, tiếng súng vẫn nổ, không khí vẫn sục sôi và vẫn có nhiều thương vong...

- Sau bản tuyên bố này, ông có gặp ông Minh?

- Trời bắt đầu tối, tôi mượn xe bạn cùng nhóm, đến hội ý với ông Huyền rồi cùng đi gặp ông Minh. Vào cổng sau dinh Độc Lập, thấy ông Minh một mình đứng giữa sân, trong nhà hầu như không còn ai, không khí hiu quạnh. Ba chúng tôi đứng giữa sân trao đổi thân tình, phần chính trị dân sự đã hết cách, nay là phần bên quân sự. Ông Minh bắt tay và cảm ơn, chúng tôi ra về mà lòng nao nao nặng trĩu.

- Kết thúc chiến tranh như thế, có nằm trong mong đợi của các ông lúc bấy giờ?

- Trên chiếc xe số 1 của phủ tổng thống - đúng là chiếc xe không sợ súng, tôi đi tìm ông Diệp và ông Cang, nhưng ông Cang đã vào Dinh. Xe qua tòa đại sứ Mỹ và Anh, cảnh tượng tan hoang thê thảm, quân trang quân cụ bỏ đầy đường, cành cây lá rụng lả tả, yên lặng bất ngờ giữa những làn đạn gầm thét, đôi lúc vẫn nghe tiếng chim kêu... Tôi không chứng kiến cụ thể diễn biến trong Dinh như ông Diệp, ông Cang. 11 giờ 30 phút, Đài phát thanh tuyên bố: Sài Gòn đã giải phóng. Đó là điều chúng tôi mong đợi: không tổn hại xương máu và đổ vỡ.

- Xin cảm ơn ông!