Ra mắt cẩm nang kinh tế đối ngoại Việt Nam tại Nga

NDO - Ngày 16/12, tại Moskva (Nga), Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN (Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga) phối hợp Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị” và Viện nghiên cứu Á-Phi (Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov) tổ chức lễ ra mắt ấn phẩm bằng tiếng Nga mang tên “Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: THANH THỂ)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: THANH THỂ)

Ấn phẩm là công trình của tập thể các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên Nga, dưới sự chủ biên của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN. Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” là đơn vị tài trợ cho ấn phẩm khoa học này.

Sự kiện thu hút đông đảo đại diện Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Nga, các cơ quan, tổ chức về kinh tế, các học giả, sinh viên Nga nghiên cứu Việt Nam.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Viện Trung Quốc và châu Á đương đại Kirill Babaev nhấn mạnh giá trị thiết thực của ấn phẩm vừa ra mắt. Theo ông Babaev, là một trong những đối tác truyền thống quan trọng nhất cả về kinh tế và chính trị của Nga tại châu Á, Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong chính sách hướng đông của Nga.

Cũng theo ông Babaev, cẩm nang “Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư” cung cấp những nền tảng cho hợp tác giữa Nga và Việt Nam, giữa các công ty, cơ quan chính quyền hai nước.

Khẳng định quan hệ Việt-Nga tiếp tục được thúc đẩy phát triển, ông Babaev nhấn mạnh, ấn phẩm cần thiết đối với các doanh nhân muốn bắt đầu làm ăn tại Việt Nam, cũng như các cơ quan đang nỗ lực tăng cường hiệu quả hợp tác hai nước.

Ra mắt cẩm nang kinh tế đối ngoại Việt Nam tại Nga ảnh 1
Quang cảnh buổi ra mắt ấn phẩm. (Ảnh: THANH THỂ)

Trong bối cảnh nghiên cứu về Việt Nam được đẩy mạnh, ông Babaev tin tưởng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều ấn phẩm và công trình nghiên cứu về Việt Nam, cũng như quan hệ Việt-Nga.

Ấn phẩm “Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư” lần đầu được xuất bản tại Nga là cẩm nang tổng hợp về kinh tế đối ngoại Việt Nam, cung cấp những thông tin cơ bản cập nhật về thành tựu, phương hướng và loại hình hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, cũng như tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.

Trong phần đầu, ấn phẩm đưa ra những đánh giá tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2010-2020, cũng như động lực, đặc điểm về xuất nhập khẩu, vốn đầu tư…

Ở phần hai, cẩm nang cung cấp cái nhìn tổng quan về các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế và xã hội Việt Nam, liên quan hoặc có triển vọng trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại.

Trong phần ba, các bài viết tập trung quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là đầu tàu.

Phần bốn và năm giới thiệu nhiều thông tin cần thiết để đăng ký và điều hành một doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, gồm cả môi trường hành chính và pháp lý.

Ra mắt cẩm nang kinh tế đối ngoại Việt Nam tại Nga ảnh 2
Cẩm nang vừa ra mắt được đánh giá cao. (Ảnh: THANH THỂ)

Cẩm nang “Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư” hướng tới các cấu trúc thương mại bắt đầu kinh doanh với Việt nam, các cơ quan, tổ chức xã hội đang phát triển hợp tác với Việt Nam, cũng như các cộng đồng khoa học và giáo dục tham gia nghiên cứu Việt Nam.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga đánh giá cao sự kiện lần đầu tại Nga xuất bản cuốn cẩm nang, trong đó kết hợp những hiểu biết sâu sắc về Việt Nam với những đặc điểm thuộc các khía cạnh quan hệ kinh doanh. Ông tin tưởng ấn phẩm này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” nhận định, trong bối cảnh Nga thực hiện chính sách xoay trục về hướng đông và Việt Nam mở cửa với nền kinh tế phát triển năng động, những ấn phẩm như cẩm nang vừa ra mắt rất cần thiết cho các doanh nghiệp Nga muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Hoàng cũng cho rằng, ấn phẩm “Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư” là minh chứng cho thấy tiềm năng rất lớn của các nhà khoa học, nhà Việt Nam học trẻ người Nga. Tiếp tục thúc đẩy phát triển nguồn lực này là một trong những ưu tiên mà Quỹ hướng tới.