Phóng viên: Xin đồng chí Bí thư khái quát kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ 11, nửa nhiệm kỳ vừa qua?
Ðồng chí Ngô Chí Cường: Nửa nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; có 7/27 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt, 10/27 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên, 3/27 chỉ tiêu đạt từ 51,9% đến dưới 70% và các chỉ tiêu còn lại đạt từ 41% trở lên so với Nghị quyết.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 3,12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 77.475 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người hơn 75,9 triệu đồng/năm, đạt 71,36% so với Nghị quyết; thu ngân sách nội địa tăng bình quân hơn 6%/năm. Công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bình quân đạt hơn 95%/năm. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thứ hạng các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS được nâng cao.
Tỉnh tập trung thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, với 5/9 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại. Khởi công dự án nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên trong cả nước tại xã Ðông Hải, huyện Duyên Hải, với tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án đưa vào sử dụng, tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhất là công trình trạm bơm Kênh 3 tháng 2, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tổng vốn đầu tư 244 tỷ đồng. Công trình cấp nước ngọt cho 25.936 ha đất nông nghiệp các huyện, thị trong tỉnh. Tỉnh triển khai dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư hơn 307 tỷ đồng, với mục tiêu cấp điện sinh hoạt cho 12.269 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học, y tế, thể thao đạt nhiều kết quả tiến bộ. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,88%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 3,61%. Hoàn thành trước thời hạn về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, với 100% số xã và 6 huyện, 2 đơn vị thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định…
Phóng viên: Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ 11 đề ra nhiệm vụ đột phá về phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, liên kết, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, các khu kinh tế, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin, đô thị. Xin đồng chí cho biết tỉnh đã khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng giao thông tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội như thế nào?
Ðồng chí Ngô Chí Cường: Trà Vinh là cửa ngõ ra Biển Ðông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh được Trung ương quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm cấp quốc gia như: Trung tâm Ðiện lực Duyên Hải với tổng công suất 4.900 MW; dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; quy hoạch Khu kinh tế Ðịnh An là một trong 16 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, đồng thời là một trong tám khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư.
Trà Vinh là cửa ngõ ra Biển Ðông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian qua, tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, các khu kinh tế, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin, đô thị, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021, đưa vào khai thác, sử dụng tuyến Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Ðây là dự án giao thông quan trọng cấp bách, được Quốc hội thông qua phương án sử dụng 15 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Ðồng thời, tháng 12/2021, triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Dự kiến, các hạng mục công trình dự án hoàn thành vào cuối năm 2023.
Cảng biển Ðịnh An, quy mô 128 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 30.000-50.000 tấn, phục vụ cho xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng, có khả năng nâng cấp, mở rộng để tiếp nhận tàu có tải trọng đến 200.000 tấn. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Ðịnh An; khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp Ngũ Lạc; khu phi thuế quan.
Thi công tuyến đường số 5 Khu kinh tế Ðịnh An, hoàn thành đoạn Quốc lộ 53B từ cầu Láng Chim đến Thiền viện Trúc Lâm, Ðường tỉnh 915B giai đoạn 1, triển khai thủ tục đầu tư tuyến hành lang ven biển, cầu Ba Ðộng,... Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Cảng biển Ðịnh An đã hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường biển huyết mạch cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Ðông, bảo đảm kết nối vùng, liên vùng và với quốc tế. Ðến nay, Khu kinh tế Ðịnh An thu hút 48 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 148 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thì việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng hiện tại còn gặp nhiều khó khăn, cần phải có sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, nhất là các dự án tuyến đường hành lang ven biển kết nối giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu; dự án đường cao tốc Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp đến Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; tuyến đường tránh nội ô thành phố Trà Vinh; tuyến Quốc lộ 60 qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch để đồng bộ với cầu Ðại Ngãi bắc qua sông Hậu; nghiên cứu đầu tư xây cầu vượt qua luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu để nối liền bốn xã đảo của huyện Duyên Hải.
Ðặc biệt, Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch có cảng nước sâu trên cơ sở khảo sát vùng biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Qua khảo sát, đánh giá, Trà Vinh có lợi thế từ bờ ra đến vùng biển đủ độ sâu để làm cảng nước sâu khoảng 6km, trong khi các khu vực khác phải từ 12-16 km. Trung ương đầu tư cảng nước sâu tại Trà Vinh sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư so với khu vực khác.
Mặt khác, khu vực này có kênh đào cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, có Cảng biển Ðịnh An sắp đi vào hoạt động, có Khu kinh tế Ðịnh An ven biển sẽ tác động lẫn nhau cùng phát triển. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu kỹ để đầu tư cảng nước sâu cho đồng bằng sông Cửu Long sao cho hiệu quả nhất.
Phóng viên: Xin đồng chí Bí thư cho biết các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại để đưa Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025?
Ðồng chí Ngô Chí Cường: Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh thống nhất đề ra bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tiếp tục thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại, đó là:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba nhiệm vụ đột phá. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển, quyết liệt cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ðẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực mới phát triển bền vững.
Tập trung lãnh đạo thực hiện phương châm hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh "Ðoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phá, phát triển" đi vào chiều sâu, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Ðổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi lãnh đạo sở, ngành, địa phương.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và định hướng phát triển bền vững, lấy phát triển kinh tế biển làm động lực. Bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp quan trọng, có tính đột phá, phát triển. Tích cực thu hút các dự án đầu tư phù hợp quy hoạch và theo đúng định hướng; đôn đốc, hỗ trợ triển khai bảo đảm đúng tiến độ.
Quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa, xã hội, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng phong trào "Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" bằng những nội dung cụ thể, ưu tiên hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào Khmer.
Thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, dân tộc và tôn giáo. Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đẩy mạnh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!