Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu nhấn mạnh, các Thỏa thuận và dự án trong Ủy ban Kinh tế cũng như biên bản ghi nhớ hợp tác được ký ở cấp Bộ Kinh tế đặt ra các ưu tiên kinh tế sẽ tạo ra nền tảng thiết yếu cho đầu tư chung. Chỉ bằng cách khuyến khích càng nhiều công ty Romania và Việt Nam có mặt tại thị trường hai nước càng tốt, chúng ta mới có thể tiến tới một mục tiêu song phương trọng tâm khác: hỗ trợ các doanh nghiệp từ các lĩnh vực kinh tế quan tâm tiếp cận thị trường thứ ba. Mối quan tâm thiết yếu của chúng tôi là bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi hơn của các sản phẩm chất lượng cao của Romania vào thị trường Việt Nam.
Đã đến thời điểm quan hệ Việt Nam-Romania sẽ được chuyển lên một tầm cao mới
Do đó, Thủ tướng Romania khuyến khích các hợp đồng kinh tế bền vững, các sứ mệnh kinh tế và gặp gỡ các doanh nhân để có cơ hội thương mại và đầu tư, đặc biệt vì Romania có thể cung cấp nhiều hơn trong các lĩnh vực như nông sản thực phẩm, dược phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin.
Romania có triển vọng tuyệt vời về các thỏa thuận liên doanh giữa các công ty nước này và Việt Nam và có những thí dụ cụ thể về vấn đề này: xây dựng một nhà máy tái chế lốp xe đã qua sử dụng ở Romania trong năm nay, dự án hợp tác công nghệ thông tin với vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD và việc thành lập của một trung tâm hỗ trợ và trợ giúp về phần mềm trong ngành công nghiệp ô-tô. Romania cũng quan tâm đến việc phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực dược phẩm, nơi chúng tôi đang phát triển mối quan hệ hợp tác đầy tham vọng. Hơn nữa, trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, nơi có tiềm năng rất lớn, chúng tôi đã đặt nền móng cho các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực thú y giữa các đối tác hai nước.
Quang cảnh Diễn đàn. |
Thủ tướng Romania khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam tận dụng những cơ hội đặc biệt mà Romania mang lại và sẽ tiếp tục phát triển. Quan hệ thương mại vững chắc giữa Việt Nam và EU dựa trên EVFTA không thể bỏ qua cửa ngõ Biển Đen để vào thị trường châu Âu, cụ thể là cảng Constanta. Cảng này và cảng Danube sẽ có ý nghĩa quan trọng trên các tuyến đường xuyên lục địa đang phát triển giữa châu Á và châu Âu. Đó là lý do tại sao Thủ tướng đã báo hiệu sự cần thiết phải nhanh chóng ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các cảng Constanta và Galati với các cảng ở Việt Nam như Hải Phòng.
Thủ tướng Romania cũng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia tài trợ vaccine với công nghệ hoàn toàn mới để chống dịch tả lợn châu Phi. Hy vọng rằng điều này sẽ tạo cơ sở cho việc hợp tác sản xuất với tác động lớn đến hoạt động nhập khẩu động vật và sản phẩm cũng như xuất khẩu dược phẩm. Điều này cho thấy thấy rằng sự đoàn kết tạo ra những cầu nối vững chắc giữa các quốc gia của chúng ta.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:
Một là, truyền thống hợp tác giữa hai nước trải qua 75 năm và chúng ta đã có những thăng trầm của lịch sử nhưng cái quan trọng nhất là lòng tin chính trị giữa hai nước được nâng lên, và hôm nay ngài Thủ tướng tiếp tục khẳng định điều này.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ sự biết ơn của nhân dân, đất nước Việt Nam đối với sự giúp đỡ của nhân dân, đất nước Romania trong suốt 75 năm qua; nêu rõ, Việt Nam là một đất nước trải qua rất nhiều năm chiến tranh, trải qua cấm vận… Sự giúp đỡ lẫn nhau, sự tin cậy chính trị rất cao, đây cũng là cơ sở phát triển môi trường đầu tư hợp tác kinh tế thương mại.
Hai là, Việt Nam hiện nay sau cấm vận đã tiến hành đổi mới dựa trên 3 trụ cột chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh đoàn kết trong và ngoài nước, phát huy dân chủ để xây dựng đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân vì dân, mọi chính sách đều hướng tới nhân dân, nhân dân tham gia xây dựng và hưởng thụ chính sách.
Ba là, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật khách quan, quy luật cung cầu, cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân không bị đảo lộn trong quá trình phát triển.
Xuyên suốt quá trình đó, yếu tố con người là trung tâm và chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Việt Nam cũng thực hiện 3 đột phá chiến lược: về thể chế phải thông thoáng, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, cải cách thủ tục hành chính để không làm phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; đột phá về hạ tầng chiến lược liên quan giao thông, y tế, giáo dục… nhằm giảm chi phí về giao thông, logicstic…; đột phá về nguồn nhân lực vì con người quan trọng nhất. Chúng tôi tập trung xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các ngành kinh tế mới nổi hiện nay. Ba đột phá này được gọi là “Thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vẫn phải giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, ổn định lâu dài. Đó là những cái cần làm trong bối cảnh nhiều phức tạp; bảo đảm môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực rất quan trọng, vì chẳng ai đến đầu tư ở khu vực có xung đột, có chiến tranh.
Hiện nay, cũng như Romania, Việt Nam kêu gọi đầu tư, làm mới lại các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; bổ sung các động lực mới, bao gồm các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn… Giữa Việt Nam và Romania có một nền tảng quan hệ chính trị tốt, có hiệp định thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Việt Nam cảm ơn Romania đến ngày cuối cùng làm Chủ tịch luân phiên EU đã thúc đẩy ký kết hiệp định này, sau khi ký kết, kim ngạch xuất khẩu mấy năm vừa rồi tăng gấp đôi, góp phần vào tăng trưởng thương mại năm 2022 khoảng hơn 730 tỷ USD.
Việt Nam cũng cảm ơn Romania là một trong những nước đầu tiên thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU. Có Hiệp định này thì các nhà đầu tư sẽ có điều kiện làm ăn tốt hơn. Đặc biệt lĩnh vực đào tạo và hợp tác lao động. Vừa qua nhiều trường đại học ký kết với nhau, thể hiện sự sẵn sàng tập trung cho đột phá đào tạo nguồn nhân lực.
"Chúng tôi rất vui vì chứng kiến một loạt trường đại học ký kết đào tạo nguồn nhân lực cho cả hai bên. Một điều nữa là diện tích hai đất nước gần như bằng nhau nhưng dân số Romania chỉ bằng 1/4 Việt Nam nên khai thác tài nguyên cùng nhau có lợi thì có thể bổ sung cho nhau" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Về hợp tác lao động có cái được, cái chưa được. Thủ tướng cho biết đã giao Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát lao động giữa hai nước, cái gì tốt phải phát huy, chưa tốt phải khắc phục ngay để thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai bên.
Liên quan đến các doanh nghiệp vào đầu tư với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Còn chúng tôi có chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư lớn đầu tư vào công nghệ. Trở ngại lớn nhất phải vượt qua là khoảng cách về mặt địa lý, trước đây khó giải quyết nhưng giờ đã có đường ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với Thủ tướng Romania tại Hội đàm, một là chúng ta có chuyển đổi số. Trước đây cứ phải gặp nhau trực tiếp mới làm việc được nhưng chuyển đổi số có thể bằng trực tuyến, thương mại điện tử, vấn đề thanh toán cũng có thể tìm phương án phù hợp. Khoảng cách địa lý có thể giải quyết được thông qua chuyển đổi số.
Trở ngại khác nhưng cũng không lo ngại lắm, trước đây đi từ Romania về Việt Nam nếu đi tàu mất cả tháng, đi máy bay mất 2 ngày nhưng giờ đi mất nửa này thôi. Máy bay từ đây đến UAE, Thổ Nhĩ Kỳ rồi bay từ đó về Việt Nam nhiều nhất cũng chỉ 12 tiếng. Chúng ta cũng có những cảng biển thuận tiện cho giao thương hàng hóa; hàng hóa qua đường tàu biển rẻ và thuận lợi. Chúng ta có truyền thống hợp tác về thương mại nên ta tiếp tục phát huy, phát huy động lực cũ, tìm ra động lực mới và giải quyết những khó khăn.
Chúng ta lạc quan về quan hệ hai nước, vấn đề bây giờ ta hành động thôi. Chính phủ chủ trương đường lối, xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng, quản lý thông minh, còn doanh nghiệp và các địa phương bộ ngành thì kết nối 2 nền kinh tế trên tinh thần tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, tôn trọng công việc nội bộ của nhau.
Với tinh thần này, quan hệ hai nước sẽ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, người làm được việc này chính là các doanh nghiệp, các bộ ngành địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới thực chất, hiệu quả hơn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm là kinh tế, thương mại, đầu tư, ủng hộ lẫn nhau trong quan hệ quốc tế, tạo thêm đối tác, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, để nhân dân hai nước hạnh phúc, ấm no.