Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã trải qua 60 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại) và số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng.
Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
Giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch, trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, đầu mối giao thông, công sở, nhà máy… và toàn xã hội. Thời gian qua, các lực lượng chống dịch như y tế, quân đội, công an… vẫn luôn trong tình trạng “trực chiến”.
Ngành y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại toàn bộ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng, chống dịch để cập nhật bổ sung; tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại các bộ ngành, địa phương; tăng cường công tác truyền thông; chuẩn bị kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch trong mùa đông…
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận kỹ và thống nhất một số giải pháp phòng, chống dịch cần phải thực hiện nghiêm trong thời gian tới.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang theo đúng chỉ thị của Thủ tướng. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu phòng, chống Covid-19.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang, đặc biệt tại cơ sở y tế; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; phương tiện giao thông công cộng; cơ sở lưu trú, khách sạn; các cơ sở thực hiện cách ly; bến xe, cảng hàng không, ga tàu; nhà máy, xí nghiệp; các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người…
Thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang không chỉ ở những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại mà cả các những thị trấn, thị tứ.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch ở các địa phương, trong đó có việc tự đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh, cập nhật theo thời gian thực lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 (tại địa chỉ www.antoancovid.vn) đối với các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, công sở…
Các thành viên Ban Chỉ đạo bàn rất kỹ phương án, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ về mở chuyến bay thương mại với một số nước để đón nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, phục vụ mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Sau khi thực hiện một số chuyến bay thương mại, chúng ta đã tiến hành rút kinh nghiệm. Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất chủ trương giao cho các hãng hàng không của Việt Nam tổ chức các chuyến bay an toàn, dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế, các ngành chức năng. Tinh thần là làm từng bước, chọn nơi an toàn, thận trọng, chắc chắn.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên thế giới sắp đạt mốc 47 triệu người, trong đó có 1,2 triệu người tử vong. Mỹ là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao nhất với 9,4 triệu người, hơn 236 ca tử vong. Số lượng người mắc vẫn tiếp tục tăng nhanh, chỉ trong 2 tuần qua đã tăng 10% số ca mắc.
Châu Âu hiện đang là tâm dịch của Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này bước vào mùa đông. Nhiều nước châu Âu tái phong tỏa toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các quán cà phê, nhà hàng, quán bar.