Sáng 15/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ sơ kết 1 tháng công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số địa phương đã ban hành thêm các chỉ thị chỉ đạo thực hiện việc này ở mức cao hơn, sớm hơn so quy định của Chính phủ.
Thủ tướng hoan nghênh cách làm này trên nền tảng các quy định của Trung ương, địa phương căn cứ tình hình, sáng tạo, linh hoạt, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tế.
Vừa qua, với sự cố gắng các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội được một tháng, có nơi gần được một tháng. Với sự cố gắng, nỗ lực cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của nhân dân, chúng ta đạt được những kết quả tích cực bước đầu, có cái rất cơ bản, có cái là nền tảng, có cái là khởi điểm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên nhìn tổng thể thì chúng ta thấy kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đề ra. Cho nên, hôm nay, Thường trực Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đánh giá lại công tác thời gian qua thực hiện các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị 16, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó tập trung phân tích đánh giá thật kỹ nguyên nhân chủ quan trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ bổ sung, hoàn thiện và xem cái gì cần quyết liệt hơn.
Việc chống dịch chưa có tiền lệ, dịch bệnh biến ảo khôn lường, đi trước chúng ta, do đó các biện pháp tổ chức thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay; không cầu toàn, không nóng vội.
Chúng ta cần đưa ra lộ trình, mục tiêu, biện pháp để hoàn thành, nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế - xã hội không phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch.
Chúng ta không có điều kiện như các nước phát triển, quy mô nền kinh tế chúng ta còn hạn chế, chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh thì mới có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế và y tế.
Trong điều kiện chúng ta chưa có vaccine, thuốc đặc trị chưa có thì biện pháp giãn cách, cách ly xã hội thì phải thực hiện triệt để vì lây nhiễm là giữa người với người.
Phải phong toả các ổ dịch nghiêm ngặt để tách F0, có điều trị phù hợp. Phải phát hiện nguồn lây trong cộng đồng bằng xét nghiệm đại trà.
Còn tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương thì cần xét nghiệm theo trọng tâm, trọng điểm. Thời gian còn lại của giãn cách phải thực hiện nghiêm việc này. Cùng với đó là huy động, tìm kiếm nguồn vaccine và thuốc điều trị.
Vừa qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực cố gắng, đến nay, nếu chúng ta không kiên định các mục tiêu thì sẽ thất bại. Do đó phải kiên quyết bảo vệ thành quả đạt được.
* Tại hội nghị, Bộ Y tế kiến nghị thực hiện quyết liệt hơn nữa, triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh như tại nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.
Đồng thời để nhanh chóng ổn định tình hình, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự xã hội và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, thời gian tới cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung:
Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; chỉ đạo tốt, tuân thủ tốt, thực hiện tốt trong điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch ở các cấp trên địa bàn.
Đẩy mạnh và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư...
Động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đẩy mạnh triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định. Áp dụng các biện pháp cao hơn nếu không đạt hiệu quả.
Thực hiện xét nghiệm thần tốc, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiên quyết bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” trên địa bàn để từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch tiếp tục lây lan rộng hơn.
Áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình 3 tầng của Bộ Y tế.
Tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng.
Chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động lực lượng y tế của các ngành và tư nhân.
Bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là đối với người dân tại các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, các đối tượng yếu thế.
Bảo đảm thực hiện thu dung, điều trị, cấp cứu kịp thời cho người dân khi có yêu cầu.
Chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch tổng thể về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn để nhanh chóng triển khai tiêm ngay khi có vaccine về Việt Nam, được phân bổ.
Tập huấn cho các lực lượng tham gia tiêm chủng, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tiêm chủng...
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta thống nhất thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 16 của các tỉnh, thành phố đạt kết quả tích cực, đạt mục tiêu đề ra. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực, hết sức trách nhiệm vì nhân dân, làm việc quên ngày đêm, nhất là các tỉnh, thành phố có ổ dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về việc lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung chuyên sâu, dứt khoát, mạnh mẽ, nhất quán, có sự vào cuộc của nhân dân. Người dân nhận thức, tham gia, ủng hộ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ thì mới có kết quả được. Chiến thắng của dịch bệnh là chiến thắng của lòng dân có tính chất quyết định. Người dân vẫn là trung tâm, chủ thể của phòng, chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình đang diễn biến phức tạp, có nơi nghiêm trọng. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình để có ứng phó phù hợp. Tinh thần vẫn là "chống dịch như chống giặc", huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia chống dịch. Các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho chống dịch, nhưng không phiến diện, cực đoan chống dịch. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo phải linh hoạt, sáng tạo, không cứng nhắc.
Về công tác lãnh đạo, chỉ huy, Thủ tướng yêu cầu theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì đồng chí Bí thư cấp uỷ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo làm Trưởng Ban Chỉ đạo tại các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16. Các đồng chí Phó Bí thư được phân công phụ trách các lĩnh vực rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Các đồng chí Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND… tuỳ từng nhiệm vụ cụ thể cũng phải được phân công, lãnh đạo, chỉ đạo. Khi thực hiện Chỉ thị 16 phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy phòng chống dịch do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là chỉ huy trưởng trung tâm này. Phải có bộ phận thường trực giúp trung tâm chỉ huy. Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả, gần dân.
Về công tác thực hiện phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, tổ chức thực hiện ở các cấp vẫn là khâu yếu, do đó phải rà soát và kiện toàn. Về thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm, đúng tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”, phân loại để điều trị, phù hợp. Tranh thủ thời gian vàng giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan. Thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, phải cách ly người với người, nhanh chóng phát hiện nguồn lây, nhanh chóng xét nghiệm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm. Giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, không để "chặt ngoài, lỏng trong". Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất, sơm hơn một bước.
Tạo thuận lợi tối đa về quy trình tối đa về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, lãnh đạo địa phương phải kịp thời, chủ động mua sắm phục vụ phòng chống dịch, tuyệt đối không trông chờ ỷ lại vào T.Ư. T.Ư lo nguồn dự trữ khi địa phương ko đủ điều kiện, gặp khó khăn. Các cấp, các ngành phải chủ động theo chức năng, nhiệm vụ. Các địa phương dành ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch, tiết kiệm chi để chống dịch.
Về công tác xét nghiệm, các địa phương phong toả thì thần tốc xét nghiệm, nơi nào có ổ dịch thì phong toả nghiêm ngặt, tách nguồn lây, điều trị phù hợp. Tổ chức điều phối lấy mẫu, trả kết quả nhanh nhất, không để nguồn lây ra ngoài, bảo đảm khoa học, hiệu quả. Đặc biệt lưu xét nghiệm trong thời gian phong toả để nhanh chóng bóc nguồn lây. Thí điểm hướng dẫn xét nghiệm cho người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm. Xét nghiệm đông người phải bảo đảm phòng, chống dịch, không để xét nghiệm lại tạo ra ổ dịch mới.
Về công tác cách ly, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh từng địa bàn, từng trường hợp cụ thể thì tập trung và thì điểm cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện. Bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm chéo ở khu cách ly tập trung; cách ly tại nhà không để lây ra cộng đồng. Địa bàn ít ca mắc vẫn phải cách ly tập trung. Phải kiểm tra vấn đề này thật chặt và nghiêm.
Về công tác điều trị, các cơ sở điều trị kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân phải bảo đảm điều kiện về môi trường, ô xy, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực như đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên chứ không chỉ đơn thuần là giường bệnh; đặc biệt lưu ý không coi các trường hợp F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly tại trung tâm thu dung hoặc thí điểm tại nhà bảo đảm đủ điều kiện cần thiết; chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý bảo đảm điều kiện và bảo đảm điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong.
Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện lại các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh, những người nghi nhiễm bệnh đang cáck ly, giảm tỷ lệ người nhiễm và người bệnh nặng, giảm tỷ lệ người bệnh diễn biến nặng hơn ở các tầng điều trị; tổ chức việc huy động, tập huấn, phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương cố số người bệnh lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…; Bộ Y tế hướng dẫn điều trị cấp cứu 24/24 giờ cho tuyến huyện; cung cấp miễn phí thuốc điều trị cho các ca F0 điều trị tại nhà như gói thuốc an sinh và hướng dẫn sử dụng như ở TP Hồ Chí Minh.
Phải giảm số ca tử vong, do đó Bộ Y tế cần phân tích thêm từ các số liệu; từ những dữ liệu trên, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu ưu tiên tiêm vắc-xin hướng đến cho số người trên 50 tuổi. Nghiên cứu có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Điều tra, xử lý nghiêm tiêu cực trong tiêm vắc-xin, hoặc để xảy ra lây nhiễm khi tiêm. Chúng ta giảm số ca nhiễm, đưa hướng dẫn cụ thể để duy trì vùng xanh. Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính khi bệnh nhân vào cấp cứu, nguyên tắc “nhập viện trước, thủ tục sau”. Nghiên cứu thí điểm điều trị theo dõi F0 tại cộng đồng để giảm tải. Chuẩn bị bình ô xy, thuốc cấp cứu, phương tiện bảo hộ cho cơ sở cần tăng cường. Bộ Y tế hướng dẫn cấp cứu cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã. Nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế tuyến huyện; tập huấn, hỗ trợ từ xa, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ, tăng cường trang thiết bị, ô xy, giường ở khu hồi sức tích cực (ICU)...
Về tổ chức tiêm vaccine, cần tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt cho người dân “vắc-xin tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”. Các địa phương tăng cường hoạt động hiệu quả các Tổ covid cộng đồng. Không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng yêu cầu mọi lúc mọi nơi. Về giao thông vận tải, các địa phương phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm lưu thông, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Tăng cường phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện lưu thông hàng hoá nhất là hàng hoá thiết yếu, phục vụ phòng chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất hàng hoá, chống lây nhiễm.
Về hoạt động sản xuất, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Công đoàn các cấp, các địa phương lắng nghe các ý kiến, phản ánh ý kiến của doanh nghiệp và người dân, từ đó khẩn trương hướng dẫn phù hợp để bảo đảm an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu thấy sản xuất an toàn, ví dụ về xét nghiệm, chỗ ăn ở để bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất. Các bộ ngành rút kinh nghiệm, tiếp tục thí điểm "một cung đường hai điểm đến", "3 tại chỗ"…, không cực đoan phiến diện. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo, lao động mất việc; nhân rộng mô hình túi an sinh xã hội, không để ai bị thiếu ăn... Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ, động viên nhân dân nghiêm túc chấp hành các quy định.
Đối với từng vùng nguy hiểm rất cao thì áp dụng theo nguyên tắc cao hơn, sớm hơn. Yêu cầu phong toả các vùng đỏ có nguy cơ cao để bảo đảm an toàn vùng xanh. Chuẩn bị các phương án ứng phó dịch bệnh ở mức cao hơn. Thông tin phải công khai, minh bạch để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tăng cường thông tin về kiến thức phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy chuyển đổi số, bộ hoàn thành các nền tảng công nghệ...
Phong toả chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốt, phát hiện nguồn lây, an sinh xã hội là thường xuyên, giảm ca tử vong là ưu tiên hàng đầu. Lưu thông hàng hoá phải kịp thời. Có vắc-xin cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tổ chức năm học mới phải phù hợp tình hình; nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em. Nhân rộng các làm hay, mô hình tốt, xử lý nghiêm người vi phạm. Đẩy mạnh ngoại giao vaccine; thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải gặp gỡ doanh nghiệp để xử lý, tháo gỡ khó khăn; tăng cường tổ chức hiến máu nhân đạo.
*Tại hội nghị, đóng góp ý kiến tại phần thảo luận, đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, về vấn đề tiêm vaccine, gần đây, ý thức của người dân đã khá hơn. Các cơ quan báo chí đang tập trung tuyên truyền “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tiêm vaccine ở các nước, góp phần tăng cường ý thức của người dân. Các cơ quan báo chí chủ lực cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch với nội dung cụ thể. Cơ quan báo chí sẽ cùng với Bộ Y tế xây dựng cẩm nang phòng chống dịch để đưa vào tuyên truyền ở trường học, khu công nghiệp sẽ hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định dứt khoát: Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung vaccine nhưng Bộ Y tế thực hiện nghiêm quản lý nhà nước về đánh giá chất lượng, an toàn, hiệu quả, cấp phép, bảo quản dự trữ, chủ trì tiêm vaccine miễn phí cho người dân.